“Công việc làm mẹ” là một nghề không có thù lao, không được khen thưởng nhưng lại rất dễ nhận được chỉ trích. Và trước khi nghe chỉ trích từ người khác, nhiều mẹ đã tự trách mình không tốt với con. Có rất nhiều lý do cho sự kiểm điểm bản thân như vậy của những người mẹ. Nhưng hy vọng rằng, với “3 chữ C” này, sẽ càng có nhiều người mẹ tự tin hơn với vai trò cao cả, tuyệt vời của mình nhé!
1. Chậm rãi
Nhịp sống càng ngày càng hối hả. Và vì nhiều lý do, hầu hết mọi người đều mong mọi thứ nhanh có kết quả. Không phải không có lý do mà nhiều người đã gọi xã hội hiện đại là xã hội “mỳ ăn liền”. Đối với những người đang làm mẹ, thì có vẻ cái tâm lý “mỳ ăn liền” lại càng hối thúc hơn: Con mới sinh thì hàng ngày đều muốn con nhanh lớn. Con lớn chút thì lại muốn con nhanh biết. Con bị ốm thì muốn con nhanh khỏi. Con biếng ăn thì muốn con nhanh hết,… Và có lẽ vì áp lực cuộc sống, áp lực trách nhiệm và cả tâm lý hay so sánh đè lên người phụ nữ nhiều quá, nên nhiều khi những quá trình này chỉ dài thêm 1 – 2 ngày cũng khiến chị em sốt ruột.
Nhưng, các bố – mẹ ấy lại không biết là, nuôi con cũng gần như chăm cây, phải có thời gian thì mới đạt được kết quả như ý muốn. Đơn giản như ủ đậu làm giá thôi cũng phải có thời gian thì hạt đậu mới nảy mầm. Nếu vội vã, dùng thuốc để thúc thì mầm vẫn có, nhưng lại không có rễ. Giá ủ thuốc, có mẹ nào muốn ăn không?
Trẻ con cũng thế!
Nuôi con, phải để thời gian cho con lớn. Nếu muốn nhanh, con không có nền tảng thể chất, béo nhưng không khỏe, mẹ có ưng không?
Chăm con ốm, phải để cho cơ thể con dần dần làm quen với thuốc, hỗ trợ thuốc đẩy lùi bệnh tật thì bé mới khỏi bệnh một cách bền vững. Thậm chí là có những trường hợp không dùng thuốc, để cơ thể con tự đấu tranh lại và từ đó nâng cao sức đề kháng, sau đó sẽ ít bị mắc bệnh hơn. Dù chậm nhưng chắc. Nếu ngại lâu, sốt ruột, muốn dùng thuốc kháng sinh mạnh để dập bệnh tức thì, nhưng đồng nghĩa với việc tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi, con bị phụ thuộc vào thuốc, con khỏi rồi nhưng rất dễ tái đi tái lại bệnh. Nhanh, nhưng không bền. Mẹ chọn con đường nào?
Mẹ nào cũng mong mình sẽ chăm con tốt, vậy hãy nhớ niệm câu thần chú “Chậm rãi thôi, bình tĩnh lại nào”. Đừng sốt ruột quá mẹ nhé!
2. Chắc chắn
Khi biết mình đang mang trong người một sinh linh bé bỏng, ngay lập tức những người mẹ sẽ có một loại trách nhiệm, đó là trách nhiệm Quyết-định! Vì em bé trải qua đến 40 tuần gắn bó máu thịt với mẹ, và ngay cả sau khi ra đời cũng sẽ cần nhờ người thân, đặc biệt là mẹ, quyết định hộ nhiều việc để có thể thuận lợi phát triển và lớn lên. Trong khi em bé lại là một sinh linh yếu ớt, quyết định sai hay đúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con. Nếu đúng thì không có gì phải nói, nhưng nếu sai thì may mắn là có thể sửa sai và làm lại. Còn không, thì là hối hận! Chẳng ai mong muốn mình phải hối hận, nhất là những việc liên quan tới con cái cả. Vì thế, mẹ cần Chắc-chắn mỗi khi cần quyết định việc gì. Nhất là những vấn đề về ăn uống và sức khỏe của con.
Bất cứ điều gì, phải chắc chắn là nó tốt, hợp lý hay ít nhất là không hại gì cho con thì mới nên làm. Đừng mơ hồ “nghe nói”, hay “thấy bảo như thế” là vội vàng đem con ra làm thí nghiệm. Khi quyết định việc gì liên quan đến con cái, đặc biệt là về sức khỏe, thì kết quả hay hậu quả của nó sẽ kéo dài không phải 1 – 2 ngày hay 1 – 2 tuần đâu, có thể sẽ là 1 – 2 tháng, 1 – 2 năm hay thậm chí là cả đời đấy.
- Dạy con kiểu phương Đông hay kiểu “mẹ Tây”?
- Học làm Mẹ một cách tự nhiên và hồn nhiên như trẻ
- Cháo hay cơm thì rồi con cũng lớn…
Nuôi con không đơn giản chỉ là mỗi việc hoàn thành quá trình 40 tuần mang thai, mà còn là những chuỗi tháng ngày dài sau đó. Thế nên đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tài chính thì không được hời hợt, coi nhẹ. Khi mang thai, vì chỉ có 40 tuần, mẹ sẽ muốn cố gắng tẩm bổ một chút, tiêu quá ngân sách một chút, có thể cũng không sao. Nhưng khi nuôi con, nếu ngân sách dành cho bé chiếm hẳn một khoản lương của bố hoặc mẹ thì không phải là quyết định khôn ngoan chút nào.
Có câu hỏi thế này: bố mẹ sẽ lựa chọn cho con ăn một bữa toàn cao lương mỹ vị trong chỉ duy nhất 1 ngày rồi sau đó chỉ rau dưa qua loa, hay là lựa chọn thực đơn đơn giản hơn nhưng vẫn đủ chất nhưng liên tục trong 10 năm? Chắc nhiều mẹ đã tự có câu trả lời cho riêng mình rồi nhỉ?
3. Chân thành
Con cái là niềm vui của bố mẹ, chứ không phải là “cái nợ đời, đẻ cho đủ trách nhiệm”. Và mỗi bé đều là một “tiểu vũ trụ”, một sinh linh có tâm hồn và tính cách riêng, không bé nào giống bé nào. Vì thế, để chạm vào tâm hồn của con, để là một người bạn đồng hành cùng con lớn lên, thì mẹ nên dùng Chân-thành để đối xử với bé.
Các bác sĩ nhi thường hay khuyên, khi nói chuyện với trẻ nhỏ thì nên ngồi xuống, sao cho mắt đối mắt với bé. Làm như vậy, mẹ sẽ thấy mình cũng ngang hàng với con, và đối thoại với con một cách bình đẳng chứ không phải lấy tư cách người lớn để áp đặt. Đó chính là Chân-thành.
Và không phải chỉ khi đối thoại với con về vấn đề nào đó mới cần chân thành, ngay cả trong suy nghĩ và cảm xúc, mẹ cũng nên chân thành với con. Nếu mẹ sai, hãy chân thành nhận lỗi với con, đừng vì ý nghĩ nếu nhận sai là mất mặt mà lấp liếm hay bao che cho mình. Như vậy, khi bé sai, bé mới có thói quen nhận lỗi như mẹ đã làm gương.
Nếu mẹ vui hay buồn, cũng hãy chân thành chia sẻ cùng con, đừng đè nén cho rằng con chưa hiểu chuyện mà gây áp lực cho bản thân. Bé cảm nhận được vui buồn của mẹ rất nhanh, hơn bất kỳ ai khác vì có liên hệ máu mủ. Và biết đâu, chính bé sẽ là nguồn an ủi, làm tăng niềm vui và giảm nỗi buồn của mẹ nhanh hơn, hiệu quả hơn bất kỳ phương cách nào.
Mẹ hãy chân thành chia sẻ thế giới quan của con, dù có thể nó ngây ngô, dù có thể chưa hoàn toàn đúng. Đừng lấy suy nghĩ của người lớn áp đặt ngay sự Đúng hoặc Sai cho con.
Khi chân thành coi con như một người bạn chứ không phải là một trách nhiệm, mẹ sẽ thấy “công việc làm mẹ” vui vẻ, thú vị hơn rất nhiều đấy!
Honey Bee
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.