Nâng mũi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại quan tâm. Tuy nhiên, phương pháp làm đẹp này cũng không tránh được những rủi ro. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá – Tiến sĩ – bác sĩ – Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Huy Thọ, hiện đang là Phó Chủ tịch hội phẫu thuật tạo hình và thẩm mĩ Hà Nội.
Xin bác sĩ cho biết có những phương pháp nâng mũi nào?
Hiện nay có hai nhóm phương pháp nâng mũi chính là nhóm phương pháp nội khoa và nhóm phương pháp ngoại khoa
Phương pháp nâng mũi nội khoa phổ biến là sử dụng chất làm đầy để bơm vào mũi nhằm làm thẳng và nâng cao sống mũi. Đây là phương pháp tiện lợi, nhưng hiệu quả chỉ kéo dài từ 8 đến 10 tháng.
Nhóm phương pháp ngoại khoa người ta thực hiện bằng phương pháp mổ để cấy phôi tạo dáng mũi, sống mũi.
Phương pháp ngoại khoa tương đối phức tạp nhưng hiệu quả lâu dài hơn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách thực hiện các vết rạch ở mũi để tạo đường hầm rồi sau đó đưa miếng silicon tạo hình vào.
Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong việc nâng mũi bằng phương pháp pháp ngoại khoa, xin bác sĩ cho biết những biến chứng có thể gặp khi nâng mũi bằng phương pháp ngoại khoa mà cụ thể là thủ thuật đặt phôi silicon ?
Nói về những biến chứng của phương pháp đặt phôi silicon để nâng mũi có thể chia làm 2 nhóm là biến chứng sớm và nhóm biến chứng muộn.
Biến chứng sớm đầu tiên có thể kể đến là sưng phù nề. Đây là biến chứng hầu như ai cũng gặp sau khi thực hiện nâng mũi bằng miếng silicon. Nguyên nhân thường là do tụ máu trong quá trình phẫu thuật. Xảy ra khi các bác sĩ thực hiện bóc tách, sẽ chạm phải các mạch lớn khó cầm máu. Máu từ các mạch này sẽ chảy vào khoang mổ và tụ lại ở đấy dẫn đến sưng nề.
Tiếp theo là biến chứng nhiễm trùng. Loại biến chứng này xảy ra muộn hơn. Thường mất 2-3 ngày sau khi mổ để ủ bệnh và 5-7 ngày để gây ra các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau khiến bệnh nhân có thể bị sốt. Với trường hợp này, phải sử dụng kháng sinh mạnh kết hợp bỏ mảnh ghép ra để tẩy rửa.
Ngoài ra, sưng vẹo cũng là loại biến chứng sớm thường gặp. Với biến chứng này có thể khắc phục bằng cách tác động phía ngoài.
Biến chứng muộn thường gặp gồm có: Đỏ mũi kéo dài, lệch vẹo, mảnh ghép dài chọc vào đầu mũi gây đau, mảnh ghép quá ngắn tạo khấc đầu mũi, gốc mũi thô, gốc mũi không có hõm.
Thưa bác sĩ, vậy so với phương pháp bơm chất làm đầy thì phương pháp mổ đặt phôi có ưu điểm gì ?
Thứ nhất, phương pháp bơm chất làm đầy hiệu quả chỉ là tạm thời, chúng chỉ kéo dài được hiệu quả từ 8-10 tháng. Vì chất làm đầy là những chất tự tiêu, nên khi chúng tiêu đi thì dáng mũi mong muốn cũng sẽ mất đi. Nếu muốn đẹp, người ta sẽ phải đi làm lại.
Còn phương pháp mổ ngoại khoa đặt phôi là phương pháp có tác dụng lâu dài. Dáng mũi sẽ ổn định hơn.
Vậy tổng chi phí cho một ca nâng mũi bằng phương pháp mổ đặt silicon khoảng bao nhiêu thưa bác sĩ ?
Tổng chi phí cho một ca nâng mũi bằng phương pháp này khoảng 7 triệu đồng. Trong khi phương pháp bơm chất làm đầy hiệu quả ngắn hạn nhưng chi phí cao hơn. Tôi thấy giá thời điểm hiện tại 1cc chất làm đầy khoảng 10 triệu đồng. So về giá thì đây cũng là một ưu điểm của phương pháp mổ ngoại khoa so với nội khoa.
Bác sĩ có lưu ý gì với chị em đã làm mũi và đang có nhu cầu làm mũi ?
Khi chúng tôi tiến hành nâng mũi sẽ phải tạo ra khuôn sống mũi làm sao phù hợp với khung xương mặt. Thế nên tùy vào khung xương mặt của bạn để chúng tôi thực hiện được bao nhiêu phần trăm yêu cầu của bạn.
Với những người đã thực hiện phẫu thuật nâng mũi, nếu xuất hiện một trong những biểu hiện của các biến chứng trên, nên liên hệ ngay với bác sĩ phẫu thuật để được tư vấn và thăm khám. Tránh để qua thời điểm “vàng” sẽ có thể gây biến chứng nặng nề và khó chỉnh sửa, khắc phục hậu quả hơn.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Du Yến
Xem thêm video:Bài lắc mông cực hiệu quả cho cô nàng mê vòng 3 đầy đặn, săn chắc