Đã từ rất lâu nay, khoa học nói chung đã luôn ước mơ vươn tới việc xây dựng các loại máy móc có thể biến con người trở thành những siêu nhân thực thụ trong cuộc sống. Quay trở về những năm 1960, Lầu Năm Góc của Mỹ đã tài trợ cho dự án Hardiman của hãng General Electric. Hardiman là một khung xương nhân tạo hướng tới việc giúp người sử dụng có thể nâng được tải trọng lên đến gần 700kg. Và cho đến nửa thế kỷ sau, Lầu Năm Góc vẫn không ngừng đổ tiền vào những bộ khung xương nhân tạo này.
Mới đây, Viện nghiên cứu Sinh học ứng dụng Kỹ thuật Wyss của trường Đại học Harvard đã được chọn bởi DARPA (Cơ quan nghiên cứu Dự án phòng thủ tiên tiến của Mỹ) làm nơi đầu ngành trong việc nghiên cứu, phát triển các bộ trang phục thông minh cho binh lính để cải thiện sức chiến đấu của quân đội Mỹ trên chiến trường.
Những công nghệ được sử dụng nhằm tạo ra những siêu nhân này không phải chỉ để bắt chước những bộ phim khoa học viễn tưởng điên rồ. Thực tế hơn, những người lính trên chiến trường đang đối diện với những thách thức và cần sự hỗ trợ của khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Mặc dù kỹ thuật phát triển, những người lính bộ binh ngày nay vẫn phải mang những phần quân trang nặng trịch trên lưng trên chiến trường. Chắc chắn sẽ rất khó khăn nếu bạn phải chiến đấu khi phải vác cả trọng lượng ngang với một người bình thường trên lưng. Tuy nhiên, việc vứt bỏ những phần quân trang này là tuyệt đối không thể, chắc chắn chúng ta không muốn gặp rắc rối nếu vô tình bị lạc sau khi tham gia trận chiến, việc thiếu đi những dụng cụ cần thiết trong những chiếc túi nặng khủng khiếp này có thể khiến rắc rối càng tăng.
Những nỗ lực của hãng Raytheon để tạo ra bộ khung xương nhân tạo XOS2 hay của hãng Lockheed Martin tạo ra HULC là những gì chúng ta đã đạt được ngày nay. Tuy nhiên, trong những sản phẩm này vẫn còn tồn tại những khuyết điểm cần phải sửa chữa. Một trong những điểm bất lợi khi sử dụng những sản phẩm này chính là vấn đề về năng lượng. Ngay cả những tấm pin khổng lồ được lắp đặt những sản phẩm này, chúng vẫn khó lòng có thể hoạt động trong thời gian dài được. Một khuyết điểm không thể bỏ qua của những bộ khung xương nhân tạo này chính là kích thước cồng kềnh của chúng, những bộ trang phục này không thể hoạt động trong không gian nhỏ hẹp, cần sự linh hoạt. Những bộ trang phục hoàn hảo như của Iron Man vẫn chỉ tồn tại trên phim ảnh.
Bộ trang phục thông minh của Học viện Wyss nhắm tới mục tiêu là hỗ trợ những người lính trên chiến trường một cách tự nhiên dựa trên chính cơ thể của những người lính. Do bộ trang phục thông minh này vẫn còn đang trong giai đoạn đầu của việc nghiên cứu nên chúng ta vẫn chưa có được nhiều thông tin chi tiết. Tuy nhiên, thông qua bức phác thảo mới được hé lộ, chúng ta có thể thấy phần quần của bộ trang phục. Không giống như những khung xương nhân tạo, bộ trang phục thông minh của Wyss được chế tạo bằng chất liệu mềm.
Bộ trang phục thông minh này sẽ nhẹ hơn, đỡ gò bó hơn so với những khung xương nhân tạo, chúng có thể được mặc bó sát với cơ thể dưới lớp quân phục bên ngoài. Theo những gì được tiết lộ, bộ trang phục thông minh này có nhiệm vụ cảm nhận chuyển động của người lính, nâng đỡ, giúp cho họ có thể chuyển động một cách nhẹ nhàng hơn, nâng được những trọng lượng lớn hơn cũng như làm chậm quá trình mệt mỏi của cơ thể. Có lẽ tác dụng của nó không đạt được đến mức của các bộ khung xương nhân tạo, tuy nhiên, người sử dụng lại có được sự linh hoạt cần thiết trên chiến trường.
Cornor Walsh – Trưởng nhóm thiết kế tại Học viện Wyss.
Những tấm vải co giãn để tạo nên bộ trang phục thông minh của Wyss sẽ được thiết kế với những cảm ứng để có thể theo dõi những người lính. Phần vải co giãn sẽ giúp người lính ít bị cọ sát gây sưng rộp trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, những cảm biến trong bộ trang phục sẽ rung nhẹ ở một vài điểm trên cơ thể giống như massage nếu như cảm thấy người lính có dấu hiệu mệt mỏi.
Hợp đồng 2,6 triệu USD đã được DARPA ký với nhóm nghiên cứu của học viện Wyss để họ có thể hoàn thành thiết kế của mình. Mặc dù thiết kế này vốn dĩ được nhằm sử dụng cho mục đích quân sự, nhóm nghiên cứu ngỏ ý muốn sử dụng cho cả mục đích dân sự như cung cấp cho người làm trong nghề xây dựng hay cho những người già cần hỗ trợ trong hoạt động hàng ngày. Dù lý do là nhắm tới việc phục vụ cuộc sống người dân hay đảm bảo an toàn cho người lính trên mặt trận, hãy cùng hy vọng chương trình nghiên cứu sớm được hoàn thành và đưa vào cuộc sống.
Tham khảo: Gizmag
Theo Genk, Gizmag