Các chất liệu vải phổ biến mùa Hè và cách bảo quản

Có khi nào chúng ta luôn thắc mắc tại sao những bộ quần áo tuyệt đẹp khi mới mua về lại trở nên xuống cấp và cũ đi chỉ sau vài lần giặt. Câu trả lời ở đây đó là vì chúng đã không được giặt đúng cách. Mỗi loại vải có một cách thức giặt ủi và chăm sóc chuyên biệt. Đặc biệt, các chất liệu vài cho quần áo mùa Hè thường mỏng manh và nhẹ hơn quần áo mùa Đông, do đó chúng ta càng cần phải chú ý trong việc giặt giũ bảo quản.

Với mục đích kéo dài tuổi thọ và độ bền đẹp cho những trang phục mùa Hè của bạn, hôm nay chúng tôi sẽ đem đến những hướng dẫn hữu ích về cách chăm sóc từng loại vải phổ biến mùa Hè như cotton, linen, tơ nhân tạo, và nhiều loại khác để bạn có thể trở thành một chuyên gia đối với tủ quần áo của mình.  

1. Chất liệu bông/ Cotton

– Bông hay Cotton là một chất liệu khá dễ tính, vì thế bạn có thể giặt tay hoặc giặt máy với chế độ nhẹ cùng với bột giặt thông thường và thuốc tẩy khi cần thiết. 

– Để có kết quả tốt nhất, khi giặt máy trang phục Cotton, bạn nên giặt với nước ấm và chỉnh chu kỳ giặt bình thường. 

– Sấy khô ở nhiệt độ vừa phải. 

– Nếu trang phục của bạn màu trắng, bị bẩn hoặc ố vàng, hãy ngâm chúng với thuốc tẩy và nước nóng. Điều này giúp vết bẩn được tẩy sạch dễ dàng hơn. 

– Khi giặt khăn bông, khăn mặt và áo choàng tắm, hãy sử dụng một nửa lượng xà phòng thông thường và xả chúng thêm một lần nữa vì dư lượng xà phòng tồn trên chất liệu khăn bông sẽ làm giảm độ mềm mại của khăn. Bạn có thể thêm bước dùng nước xả vải và ngâm khăn bông trong nước xả từ 15-30 phút để khăn thơm và mềm. 

– Vải bông/ Cotton rất dễ nhăn nhưng bạn có thể ủi ở nhiệt độ cao mà không sợ làm cháy vải như các chất liệu khác.

2. Chất liệu lanh/ Linen

– Mặc dù nhiều người tin rằng vải lanh nên được giặt khô, nhưng thực sự việc giặt tay bằng nước bình thường sẽ làm vải lanh mềm mại và bền đẹp hơn. 

– Bạn có thể giặt lanh trong nước ấm hoặc lạnh, không giặt với nước nóng

– Chỉnh chế độ giặt nhẹ nhàng và dùng loại xà phòng giặt có tính tẩy rửa nhẹ khi giặt lanh bằng máy.

 – Bạn có thể sấy vải lanh với nhiệt độ thấp, nhưng hãy lấy ra khi vải còn hơi ẩm và phơi tiếp ở nơi mát. Việc sấy khô quá mức sẽ làm vải lanh bị cứng. 

– Khi phơi nên treo vải lanh trải rộng.

– Ủi vải lanh với nhiệt độ trung bình khi vải còn ẩm là cách tốt nhất để làm những nếp nhăn biết mất. 

3. Chất liệu VISCOSE/ Rayon 

– Viscose là một chất liệu vải mới, mềm và nhẹ như bông, thường dùng để may áo khoác nhẹ. Tuy nhiên nó rất dễ nhăn, vì thế hãy ủi với nhiệt độ trung bình có đi kèm hơi nước. 

– Nếu trang phục bằng vải Viscose của bạn có những chi tiết phức tạp, tốt nhất bạn nên giặt tay với nước ấm. 

– Không xoắn, vắt vải Viscose vì điều này làm vải bị nhăn nhiều và biến dạng. Thay vào đó hãy treo quần áo lên mắc để chúng tự ráo nước. 

4. POLYESTER

– Hầu hết các loại trang phục làm từ Polyester đều có thể dễ dàng giặt bằng máy và sấy khô. Tuy nhiên bạn hãy thêm nước xả vải khi giặt Polyester vì chúng rất dễ bị cứng. Một số loại Poly hỗn hợp cần được giặt khô, vì thế hãy kiểm tra hướng dẫn giặt trên mác của quần áo sau khi mua về.

– Sấy và ủi Polyester ở nhiệt độ thấp.

– Polyester khá dễ chăm sóc, nhưng cũng dễ bị lem màu từ quần áo khác hoặc dính bẩn. Để loại bỏ vết bẩn, hãy chà một ít bột giặt hoặc thuốc tẩy pha loãng lên khu vực đó và để từ 10-20 phút trước khi giặt. 

– Nếu trang phục của bạn màu trắng, hãy ngâm chúng trong nước có pha bột giặt trước khi giặt máy để quần áo luôn trắng đẹp.  

5. Trang phục thể thao

– Trước khi giặt, nên ngâm quần áo thể thao với 2-3 muỗng Baking Soda pha với nước để loại bỏ mùi mồ hôi và vi khuẩn trên trang phục. 

– Nếu bạn tập thể dục thường xuyên, hãy thay trang phục thể dục sau 3-6 tháng. 

– Nếu quần áo của bạn ướt đẫm mồ hôi sau khi tập, hãy giặt chúng ngay lập tức khi về nhà vì nếu để lâu, quần áo sẽ rất hôi và khó giặt. 

– Nếu bạn không thể giặt ngay, hãy treo quần áo thể dục ở chỗ thoáng mát thay vì vo viên và ném vào sọt quần áo để tránh vi khuẩn và nấp mốc tích tụ. 

– Quần áo thể thao thường làm từ Spandex hoặc Lycra, nếu sử dụng chế độ sấy, hãy chỉnh nhiệt độ thấp.

6.  Chất liệu lụa

– Thông thường với quần áo làm từ lụa thiên nhiên, bạn nên đem chúng ra tiệm chuyên dụng để giặt khô nhằm giữ độ bền đẹp của chất vải.

– Nếu giặt tay, hãy giặt trong nước lạnh với chất tẩy rửa nhẹ nhàng như sữa tắm, dầu gội. Tránh dùng xà phòng giặt thông thường cho chất liệu lụa. 

– Giống như hầu hết các loại sợi tự nhiên, lụa không chịu được sự thay đổi nhiệt độ quá mức, do đó, nên phơi trang phục ở nơi mát mẻ.  

– Không nên vắt vải lụa, thay vào đó hãy cuộn chúng trong một chiếc khăn khô và ấn nhẹ để nước thấm ra ngoài. 

– Với những loại áo thun, đồ lót làm từ chất liệu lụa có thể giặt được, hãy bỏ chúng vào một túi lưới chuyên dùng cho máy giặt để tránh làm hỏng lụa.

– Để ngăn ngừa sự phai màu vải và giữ cho vải lụa trong trạng thái tốt nhất, hãy thêm 2-3 muỗng canh giấm vào nước giặt. 

– Luôn luôn cất giữ vải lụa trong một nơi tối, khô và mát.  

Nguồn: Theo Style Caster

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.