Các chiêu tiết kiệm đáng học hỏi của mẹ Nhật

meNhat1-8640-1408093636.jpg

Cách đây mấy tháng về Việt Nam chơi, bà ngoại của Masao thấy mẹ Masao tính toán tiền bạc thấy ghê, có vẻ ngạc nhiên lắm. Hồi còn ở Việt Nam tiền thì đâu có nhiều nhưng vì còn độc thân nên tiêu tiền không bao giờ suy tính gì. Từ ngày sang Nhật làm nội trợ mới tự nhiên trở nên ngày càng ky bo bần tiện. Tuy nhiên nhìn mấy bà nội trợ Nhật thì trình độ suy tính gia kế của mẹ Masao còn thua hàng cây số.

Một tờ tạp chí của Nhật từng phỏng vấn 600 bà nội trợ cách họ tiết kiệm tiền, thì phải nói là không bà nào không có kế hoạch rất cụ thể và rõ ràng đối với chuyện chi tiêu trong gia đình. Tiện đây kể thêm cho mọi người mấy chiêu tiết kiệm của mấy bà mẹ Nhật, mẹ Masao sưu tầm được qua ti vi và sách báo nè.

– Mặc dù đa phần lương được chuyển đều đặn vào tài khoản nhưng họ luôn chọn cách rút tiền mặt ra để kiểm soát tối đa chi tiêu.

– Luôn đặt mục tiêu và con số cụ thể để tiết kiệm. Ví dụ, chi tiền làm một việc lớn nào đó, dành tiền để đi du lịch, chi tiền sửa nhà… Rất nhiều lần chương trình TV của Nhật đã quay các phóng sự cảnh “làm gia kế” của các gia đình, và họ luôn đạt mục tiêu đã đặt ra mới hay . Nếu không có mục tiêu cụ thể người ta dễ tặc lưỡi mà tiêu lạm vào số tiền mình có.

– Sau khi con cái đi học mẹ có thể đi làm part-time để tăng nguồn thu cho gia đình.

– Tiết kiệm cả ngay đối với từng đồng tiền xu lẻ. Chúng ta thường hay có xu hướng tiêu tiền xu vì chúng nặng ví. Tuy nhiên con số nhỏ khi gộp lại có thể thành món tiền lớn. Nên, tốt nhất là nếu có nhiều tiền xu họ sẽ bỏ lợn chúng đều đặn.

– So sánh, so sánh và luôn luôn so sánh. Trước khi tiêu tiền vào khoản nào đó họ sẽ dành thời gian so sánh xem món nào có giá thành và cả giá trị sử dụng tốt nhất. Ví dụ: Nếu các ông chồng mang cơm hộp vợ làm đi ăn 3 tuần/lần có thể tiết kiệm đến hơn 62.400 Yên/năm thay vì ăn ngoài. Hoặc nếu các ông chồng thay vì uống bia nước loại 1 thì giảm xuống uống loại bia rẻ tiền hơn (low malt) có thể tiết kiệm 31.200 Yên/năm. Hoặc sau khi mua đồ trong siêu thị, hãy rảo đi rảo lại một vòng và trả lại món đồ cho là không cần thiết nhất – tiết kiệm 15.600 Yên/năm.

meNhat1-8640-1408093636.jpg

Trước khi mở tủ lạnh suy nghĩ xem lấy gì để mở ra đóng lại đúng 3 giây cho đỡ tốn điện. Ảnh minh họa: Standre.

– Tất nhiên là luôn có bảng chi tiêu trong gia đình. Đối với các khoản tiền khác nhau luôn cho vào các phong bì khác nhau ghi chú cụ thể để không tiêu lạm vào nhau.

– Chỉ sử dụng 10% thu nhập cho chuyện hưởng thụ cá nhân. Ngoài ra còn rất nhiều chiêu tiết kiệm thú vị và cả hài hước nữa mà ở Việt Nam mẹ Masao chưa gặp bao giờ.

– Thay vì mua snack cho con thì mẹ giữ lấy vỏ khoai tây cà rốt gọt ra rửa sạch đi chiên lên và rắc muối, ra món chip giòn ngon tuyệt.

– Mỗi hôm đi chợ chỉ bỏ ra bằng đó số tiền dự liệu, và chỉ lượn ra bằng đó quầy hàng để mua, không tạt ngang tạt dọc kẻo… lung lạc ý chí.

– Không dùng vòi nước nóng để rửa bát mà dùng găng tay cao su để tiết kiệm ga tiện thể tiết kiệm tiền kem dưỡng da.

– Đi siêu thị hay chợ nhặt các hàng mẫu về dưỡng da mặt thay vì mua cả một bộ đắt đỏ.

– Thường xuyên rình mò hàng giảm giá hay hàng khuyến mại, làm phiếu điều tra trên các tờ rơi để lĩnh quà (thường là coupon tiền mặt có giá trị thanh toán). Chịu khó đi chợ ở từng siêu thị khác nhau vì siêu thị này thì thịt rẻ, siêu thị kia rau rẻ…

– Trước khi mở tủ lạnh suy nghĩ xem lấy gì để mở ra đóng lại đúng 3 giây cho đỡ tốn điện. Chiêu này của một cô nội trợ từng viết sách về tiết kiệm, nhờ cần kiệm mà sau vài năm hai vợ chồng mua được nhà đó nha.

– Nước ngâm ofuro (nước ngâm trong bồn tắm) cả nhà dùng xong thì múc vào máy giặt giặt cho đỡ tốn nước đầu, hoặc dùng lau nhà (bởi ở Nhật điện, nước, ga đều đắt). Tiện thể múc nước coi như tập thể dục luôn. Mùa hè thì khỏi để chế độ vắt nha cho quần áo tự khô. Mùa đông phơi quần áo trong nhà cho đỡ tốn tiền điện bật máy phun nước hay giữ ẩm.

meNhat-4973-1408093636.jpg

Ngoài lý do tiết kiệm tiền để dành cho những khoản chi tiêu lớn thì việc cố gắng tiết kiệm sẽ làm tấm gương tốt cho con cháu trong gia đình. Ảnh minh họa: Standre.

Tuy nhiên, đừng tưởng chiêu này dễ. Mẹ Masao có học theo, để dành nước ofuro để hôm sau lau nhà mà sau một đêm, hơi nước bốc lên làm cho trần nhà ướt sũng, sang vài hôm sau nó lên mốc hết, mất cả công cọ rửa và tiền hóa chất quá là thân làm tội đời

– Đi ngoài đường toilet công cộng ở khắp mọi nơi nên nếu ra ngoài thì nhớ đi nặng, đi nhẹ luôn để khỏi mang về nhà giải quyết cho tốn nước.

– Mua các thiết bị tiết kiệm nhiên liệu triệt để, nồi ủ, nồi nấu có phần hấp luôn để khỏi tốn nhiên liệu và thời gian đun nấu, hâm nóng đồ ăn…

– Chỉ mua quần áo khi sale. Lên mạng rình tìm những nơi ăn uống ngon, bổ, rẻ, khuyến mãi thật lực. Đi du lịch chọn những nhà nghỉ gia đình ở những khu sinh hoạt công cộng do nhà nước xây dựng nên để tiết kiệm tối đa chi phí.

Nhiều khi mẹ Masao nghĩ kiếm ra tiền cũng để cuộc sống thảnh thơi hơn, nhàn hạ sung sướng hơn chứ tiết kiệm chi quá cho khổ vậy, nhưng ngoài lý do tiết kiệm tiền để dành cho những khoản chi tiêu lớn thì việc cố gắng tiết kiệm sẽ làm tấm gương tốt cho con cháu trong gia đình (ở Nhật tiết kiệm là mỹ đức, là giá trị sống mà), lại thấy mình vui và có ích hơn vì có vẻ đang làm bà nội trợ thông minh hơn.

Quay trở lại chuyện nhà mình, bố Masao bảo vợ chỉ cần bớt mấy thú vui phù phiếm, shopping, đi chơi một chút thì khỏi trồng rau mầm cho mệt nhưng mà em cái này thì… vô vọng. Mẹ Masao đi siêu thị được họ cho cái thẻ khuyến mãi, mỗi lần mua 1.000 Yên thì được ấn một dấu, đủ 5 dấu thì đc giảm giá 100 Yên, thế là nhiều khi mua 900 Yên vẫn cố nhặt thêm cái gì đó để đủ một dấu đặng sau này đc giảm tiền, chồng toàn lắc đầu chưa thấy cách tiết kiệm nào ngớ ngẩn thế.

Nguồn: Theo Ngoisao.net

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.