Sự thay đổi hormone trong cơ thể phụ nữ có thai có thể mang đến nhiều phiền toái trong việc làm đẹp, ví dụ như da tiết nhiều dầu hơn, tóc nhanh bết v.v… Các bà bầu cũng rất sợ mình trở nên xấu xí hơn trong mắt chồng, nên có thể sẽ chú trọng đến việc sử dụng thêm mỹ phẩm. Thế nhưng, khi mua mỹ phẩm, hãy dành thêm vài phút để đọc nhãn thành phần và tránh dùng các loại có chứa những chất dưới đây.
1. Retin-A, retinol, hay Retinyl palmitate
Đây là thành phần rất được ưa chuộng trong các loại mỹ phẩm chống lão hóa, nhưng khi bạn đã mang thai thì nên tránh xa chúng. Việc sử dụng quá nhiều các chất này có thể gây ra dị tật thai nhi và có hại cho gan.
2. Benzoy peroxide
(Ảnh: kalandrakas)
Benzoy peroxide thường được sử dụng trong các loại mỹ phẩm trị mụn, tuy nhiên đây cũng là thành phần có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới thai nhi. Nếu việc thay đổi nội tiết khi mang thai khiến bạn nổi nhiều mụn hơn, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được kê các loại thuốc trị mụn phù hợp, đồng thời nên để bác sĩ sản khoa của mình kiểm tra các loại thuốc này một lần nữa để đảm bảo không có các thành phần có hại.
3. Tinh dầu nguyên chất
(Ảnh: spabotanicahotsprings)
Tinh dầu nguyên chất được chiết xuất 100% từ các loại cây cỏ, nhưng không có nghĩa là nó lành tính. Các mẹ bầu thích dùng mỹ phẩm thiên nhiên, mỹ phẩm handmade có chứa tinh dầu nguyên chất phải cực kỳ chú ý tới vấn đề này.
Tinh dầu nguyên chất có nồng độ rất đậm đặc, ví dụ như 1 giọt tinh dầu hoa cúc cũng có tác dụng bằng 50 chén trà hoa cúc, vì thế mà nó đem lại nhiều hậu quả khó lường cho phụ nữ mang thai. Một số loại tinh dầu nguyên chất khá phổ biến như tinh dầu tràm trà, tinh dầu oải hương và tinh dầu hương thảo đều bị các bác sĩ khuyến nghị không nên sử dụng cho phụ nữ mang thai. Đó là lý do mà các bà mẹ tương lai không nên dùng nước hoa, không nên dùng nến thơm hay các loại tinh dầu xông hương.
4. Acid Salicylic
Acid Salicylic thường được dùng trong các loại sữa rửa mặt và kem tẩy tế bào chết, có tác dụng trị mụn rất tốt. Tuy nhiên, bạn không nên dùng tới acid salicylic khi mang thai, mà hãy lựa chọn sữa rửa mặt có chứa các loại acid dịu nhẹ, tinh khiết hơn như acid glycolic, acid lactic, acid mandelic. Các loại acid này để có tác dụng làm sạch da, an toàn cho phụ nữ có thai. Một cách rửa mặt tẩy tế bào chết hiệu quả cho các bà bầu chính là dùng sữa chua không đường để rửa mặt, vì sữa chua có chứa acid lactic, vừa làm sạch, vừa làm sáng da.
5. Hydroquinone
Những phụ nữ đang sử dụng các loại kem dưỡng trắng da, kem làm mờ vết thâm cần đặc biệt chú ý kiểm tra xem sản phẩm có chứa hydroquinone hay không. Đây là một trong những thành phần bị xếp vào nhóm không tốt cho phụ nữ có thai và không được các bác sĩ khuyên dùng.
6. Tazorac, Accutane
Hai chất này cũng là dẫn xuất của vitamin A, có thể được bổ sung vào một số loại mỹ phẩm, tuy nhiên lại có thể gây ra dị tật thai nhi. Bạn cần đọc thật kỹ nhãn mỹ phẩm, nếu có chứa 1 trong 2 thành phần này thì nên bỏ ngay.
7. Aluminum chloride hexahydrate (muối nhôm)
(Ảnh: bongqiuqiu)
Rất nhiều các loại lăn khử mùi trên thị trường hiện nay đều chứa thành phần này. Cơ quan FDA của Mỹ đã khuyến cáo phụ nữ có thai không nên sử dụng bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa muối nhôm. Bạn có thể tự làm cho mình một loại lăn khử mùi đơn giản với bột ngô và baking soda, giúp hút mồ hôi mà không độc hại.
8. Formaldehyde
Formaldehyde có thể gây sảy thai. Đây là chất có thể được sử dụng trong rất nhiều loại sơn móng tay, cụ thể là sơn móng dạng gel. Các bà bầu cần hạn chế sở thích sơn sửa móng tay của mình, hoặc chọn mua các loại sơn móng tay có dấu chứng minh không chứa formaldehyde.
Bạn cũng cần kiểm tra thật kỹ nếu dự định đi ép tóc, duỗi tóc, vì một số loại thuốc ép tóc cũng có chứa formaldehyde. Tốt nhất là nên lựa chọn các cửa hàng làm tóc, làm móng uy tín, trao đổi thẳng thắn với các nhân viên tại salon, thậm chí tự mình đọc nhãn thành phần của các sản phẩm định sử dụng. Hoặc nếu bạn đang là nhân viên sơn sửa móng tay, nhân viên cắt tóc, uốn tóc, hãy tạm dừng công việc này khi mang thai.
9. Thuốc nhuộm tóc
(Ảnh: americanpregnancy)
Các bác sĩ khuyên rằng người mẹ mang thai nên tránh nhuộm tóc trong vòng ít nhất là 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, khi thai nhi đang ở giai đoạn hình thành nội tạng và các bộ phận cơ thể. Sau thời gian này, bạn có thể nhuộm tóc, nhưng nên nhuộm càng ít càng tốt, để hạn chế các chất hóa học thấm qua da đầu và đi vào trong cơ thể.
10. Kem chống nắng hóa học
(Ảnh: vitamedmdrx)
Bạn nên chọn các loại kem chống nắng vật lý, tức là chỉ chứa thành phần là kẽm oxide hoặc titanium oxide là thành phần chính để chống nắng. Bạn có thể tự làm các loại kem chống nắng từ kẽm oxide tại nhà, chỉ gồm các thành phần như sáp ong, dầu cám gạo, dầu dừa v.v…
Eve Nguyễn (Tổng hợp)