Các tập tục mai táng khác thường ở Tây Tạng

Các tập tục mai táng khác thường ở Tây Tạng

Tục lệ mai táng người chết ở Tây Tạng rất đa dạng với những cách lý giải đặc biệt về linh hồn và sự sống, trong đó không thể không kể đến tháp táng, hoả táng hay thiên táng.

Nằm biệt lập ở độ cao từ 5.000m so với mặt nước biển trên dãy Himalaya, Tây Tạng gần như không bị tác động bởi xã hội bên ngoài. Nơi đây có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, cộng thêm những lý do tôn giáo mà tục lệ mai táng người chết ở Tây Tạng rất đa dạng. Tuy nhiên, tuỳ theo địa vị mà mỗi thành phần trong xã hội sẽ được mai táng bằng những cách khác nhau.

Tháp táng

Đây là nghi thức tang lễ cao quý và thiêng liêng nhất ở Tây Tạng, dành riêng cho các Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Lạt Ma và Phật Sống. Khi một Lạt Ma qua đời, xác của họ sẽ được rút nước và ướp trong các thảo mộc quý hiếm, đồng thời rải lá vàng và nghệ tây khắp cơ thể. Sau đó, xác chết được chuyển đến bảo tháp và bảo quản cẩn thận để thờ cúng. Bảo tháp có thể làm từ vàng, bạc, đồng, gỗ hay thậm chí cả đất. Điều này được quyết định dựa theo cấp bậc của Lạt Ma.

Các tập tục mai táng khác thường ở Tây Tạng
Nơi yên nghỉ của các vị Lạt Ma theo hình thức tháp táng. (Ảnh: Tibet Vista).

Hoả táng

Hoả táng được xem như ít cao quý hơn tháp táng, dành cho các nhà sư chức vị cao và giới quý tộc. Theo đó, xác chết sẽ được đặt trên rơm và gỗ để đốt cháy. Phần tro cốt của nhà sư được đưa vào hộp gỗ hay bình đất nung, chôn tại đỉnh đồi, một mảnh đất linh thiêng hay mang lên đỉnh núi phát tán theo gió hoặc thả xuống sông. Riêng tro của Đức Phật Sống hay Lạt Ma thường được cho vào những tháp vàng, bạc nhỏ và lưu giữ cùng với những sách Phật giáo cổ cùng kho báu.

Thiên táng (Điểu táng)

Thiên táng là hình thức mai táng phổ biến nhất ở Tây Tạng, như một cách con người hiến dâng thi thể lần cuối cùng cho trời đất, tạo điều kiện cho linh hồn bay lên và tái sinh trở lại. Tuy nhiên, thiên táng thường tạo cảm giác đáng sợ vì người Tây Tạng đưa thi thể lên núi để làm mồi cho đàn kền kền đói.

Thiên táng thường áp dụng cho dân thường hoặc những người giàu có. Trong thiên táng cơ bản, xác người dân được đưa lên núi và để chim kền kền tự tìm đến. Còn với người giàu có, thi thể được tắm rửa sạch sẽ, bọc trong vải trắng và được các Lạt Ma cầu nguyện đưa linh hồn thoát ra khỏi địa ngục.

Trong hành trình đến cõi vĩnh hằng, thi thể sẽ được đoàn người tiễn đưa đem lên núi, phân thành các mảnh để tiện cho lũ kền kền thực hiện công việc. Theo quan điểm của người Tây Tạng, lũ chim ăn càng sạch thì người chết mới có thể siêu thoát hoàn toàn. Sau đó, khi loài chim bay lên, linh hồn của họ cũng theo cánh chim mà bay lên tận trời cao.

Các tập tục mai táng khác thường ở Tây Tạng
Thiên táng tại Học viện Phật giáo Larung Gar. (ẢNh: Tibet Travel).

Thuỷ táng

Trong thuỷ táng, xác chết được bọc trong vải trắng rồi thả trôi sông. Có hai quan điểm khác nhau về hình thức này. Ở nơi thiên táng phổ biến, thuỷ táng bị coi là cách thấp kém, chuyên dùng để mai táng người ăn xin hoặc người có địa vị thấp trong xã hội. Ngược lại, ở những nơi không thể thực hiện thiên táng, thuỷ táng được chấp nhận rộng rãi với những quy tắc thiêng liêng và trang trọng.

Vách táng

Vách táng thường được áp dụng ở miền nam Tây Tạng và do các nhà sư quyết định phương thức tang lễ nào sẽ phù hợp với người chết. Theo đó, xác chết sẽ được đặt trong hộp gỗ và đem đến một hang động ở vách đá có độ cao 50-300 mét so với mặt đất.

Địa táng

Trái ngược với các nơi khác trên thế giới, địa táng (chôn cất) là hình thức thấp kém nhất, chỉ áp dụng cho những người mang bệnh dịch hoặc kẻ sát nhân. Địa táng có hai ý nghĩa: một là để loại bỏ sự lây lan của bệnh dịch, hai là để trừng phạt người chết bằng cách đưa họ xuống địa ngục.

 

Theo VnExpress