Khi đường hô hấp có bệnh hoặc vào các thời kỳ khác nhau của bệnh, đờm sẽ thay đổi cả về số lượng, màu sắc, độ đặc loãng và mùi vị. Nếu quan sát kỹ sự thay đổi đó, ta có thể nhận biết được bệnh. Bình thường, người ta không ho ra đờm, nếu có thì phần nhiều được ho khạc ra vào buổi sáng. Đờm của người khỏe mạnh thường ít, trong, bóng nhẫy, chứng tỏ sự trao đổi chất của tổ chức phổi và tổ chức niêm mạc khí quản diễn ra bình thường.
-
1
Tính chất và trạng thái của đờm
– Đờm có mủ và những sợi máu, tia máu:
+ Sáng sớm ngủ dậy nếu khạc đờm có sợi máu hoặc cục máu nhỏ thì hãy cảnh giác với bệnh ung thư vòm họng.
+ Đờm lẫn máu trong thời gian dài, kèm đau ngực, mệt mỏi, sụt cân: Có thể là ung thư khí quản.
+ Đờm dính những tia máu tươi: Lao phổi, giãn khí – phế quản, cũng có thể là viêm họng.
+ Đờm có máu màu đen: Thường thấy trong các bệnh tắc nghẽn ở phổi.
+ Đờm dạng bọt lẫn máu: Phù phổi cấp.
– Đờm có chất nhầy không màu hoặc trong suốt, màu trắng nhạt: Thường thấy ở bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp, viêm nhánh khí quản cấp tính, viêm phổi thời kỳ đầu, viêm khí quản mạn tính. Đờm thường nhiều, tương đối dính và có sủi bọt.
– Đờm có mủ nhầy dưới dạng cục nhỏ màu vàng: Thấy nhiều ở bệnh cảm cúm, viêm khí quản – phổi vào thời kỳ bắt đầu hồi phục.
– Đờm ở dạng nước sền sệt, sủi bọt, trong suốt, loãng: Thấy nhiều ở bệnh giãn nhánh khí quản, lượng đờm nhiều và dễ long.
-
2
Màu sắc của đờm
– Màu trắng: Có thể thấy trong bệnh viêm nhánh phế quản hoặc viêm phổi, thường do cầu khuẩn gây nên.
– Màu vàng hoặc vàng lục: Viêm phế quản, phổi, đã có bội nhiễm.
– Màu đỏ hoặc nâu đỏ: Chứng tỏ trong đờm có máu hoặc có chất hemoglobin.
– Màu hồng: Thường gặp trong phù phổi cấp. Nguyên nhân thường do các bệnh tim mạch, cao huyết áp, do truyền một lượng dịch quá lớn và nhanh gây tăng áp lực mao mạch ở phổi và dẫn đến phù phổi cấp. Bệnh nhân thường ho ra nhiều đờm có bọt màu hồng. Đó là một tình trạng “chết đuối trên cạn” cần phải cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
– Màu chocolate: Thường gặp trong vỡ áp xe gan do amip. Ổ apxe này có thể thông với các nhánh khí phế quản-phổi, gây khạc đờm màu chocolate. Bệnh nhân có thể bị biến chứng áp xe phổi.
-
3
Số lượng đờm
– Dịch đờm nhiều hơn bình thường một chút: Có thể thấy ở bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi thời kỳ đầu.
– Dịch đờm từ nhiều bỗng nhiên giảm nhưng tình trạng cơ thể xấu đi (sốt cao, mệt mỏi, khó chịu hơn trước): Có thể do tắc nghẽn nhánh khí – phế quản, làm đờm không dẫn lưu được ra bên ngoài. Trong trường hợp này, bệnh nhân phải kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và tăng cường dẫn lưu đờm. Không được dùng kháng sinh bừa bãi hoặc thay thế kháng sinh, dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị.