Cách giải quyết những mâu thuẫn thường gặp với mẹ chồng

Cách giải quyết những mâu thuẫn thường gặp với mẹ chồng

Mẹ chồng và nàng dâu vốn là hai người ở hai thế hệ khác nên sẽ rất khó để dung hòa cách sống, lối suy nghĩ. Vì thế mà giữa quan hệ hai người luôn tồn tại những mâu thuẫn muôn thủa.

  • 1

    Mẹ chồng ghen vì con dâu đã “cướp” con trai mình.

    Đối với xã hội Việt Nam vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Bởi vậy, với các bà mẹ, con trai mình (đặc biệt nếu lại là cháu đích tôn) là những “vật báu” mà họ phải mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày. Chính vì thế, các mẹ cũng rất nuông chiều, chăm bẵm từ miếng ăn đến giấc ngủ cho cậu con trai và ngay cả khi con đã khôn lớn, họ vẫn chỉ xem anh ta như một đứa trẻ cần phải chăm sóc.

    Vì thế, sẽ khó tránh khỏi cảm giác hụt hẫng thậm chí là ghen tuông ở các bà mẹ khi bỗng dưng có một người con gái lạ xuất hiện “cướp” đi quyền chăm lo đứa con trai mà bà rất mực yêu thương. Thêm vào đó, họ còn ghen tỵ với con dâu vì nghĩ rằng con mình sau khi lấy vợ không còn quan tâm và thương mẹ như trước nữa mà nay tất cả tình cảm ấy đã dành cho một “người dưng”.

    Bạn nên làm gì lúc này? Tạo cho mẹ chồng cảm giác mẹ là người hiểu chồng bạn nhất bằng cách hỏi bà về tính cách, sở thích hay bất kể điều gì liên quan đến con bà. Mặc dù, đôi khi bạn thừa biết điều đó. Luôn thể hiện rằng bạn chỉ là người thứ hai được chồng yêu thương sau mẹ chồng. Bạn có thể khéo léo nói vui cho mẹ chồng biết, anh ý đi đâu cũng nghĩ đến bà, muốn mua quà cho bà cho dù thực chất là bạn bỏ tiền túi ra mua.

    Cách giải quyết những mâu thuẫn thường gặp với mẹ chồng

  • 2

    Nàng dâu luôn nghĩ “mẹ chồng là người ngoài”

    Nhiều nàng dâu luôn có suy nghĩ rằng “mình lấy chồng chứ không lấy cả gia đình nhà chồng, mẹ chồng chỉ đơn thuần là người sinh ra chồng mà thôi”. Suy nghĩ này luôn ám ảnh và khiến các nàng dâu trong tiềm thức đã coi mẹ chồng là người ngoài nên luôn cảm thấy khách sáo, xa cách.

    Họ không dám nhờ mẹ chồng giúp đỡ việc nhà như nhờ mẹ đẻ. Việc mẹ chồng để nàng dâu tự lo toan, quán xuyến toàn bộ công việc trong gia đình hoặc thường xuyên sai bảo, răn dạy càng khiến nhiều nàng dâu cảm thấy ức chế. Họ nghĩ: “Tại sao lại như vậy? Tại sao mình lại phải nghe lời của mẹ chồng, tại sao mình lại phải làm theo tất cả những gì bà muốn?”.

    Bạn nên làm gì lúc này? Việc đầu tiên là thay đổi tư tưởng của chính bạn. Mẹ chồng đã chính thức là mẹ bạn khi bạn bắt đầu bước chân về làm dâu. Vì vậy, hãy cứ nghĩ đó là mẹ mình cho dù mẹ chồng có thể không nghĩ thế, bạn nên nghĩ bà sẽ đối xử thật tốt với mình nếu mình đối xử tốt với bà. Quan tâm chân thành, không e dè hay giả tạo, thậm chí nhiều khi bạn có thể chia sẻ những câu chuyện ít nói với người ngoài hoặc nũng nịu mẹ chồng một cách vui vẻ để bà thấy rằng bạn đã coi bà như mẹ mình và khoảng cách giữa mẹ con được rút ngắn lại.

  • 3

    Mẹ chồng nàng dâu không thể cùng “chiến tuyến”

    Mẹ chồng là mẫu phụ nữ truyền thống, luôn quan niệm “làm vợ là phải chăm lo cho gia đình và không cần thiết phải quá đầu tư vào sự nghiệp”. Trong khi đó, nàng dâu lại là mẫu phụ nữ hiện đại có suy nghĩ trái ngược với mẹ chồng. Cách sống và lối suy nghĩ của 2 con người ở 2 thời đại khác nhau tất nhiên thật khó để có thể dung hòa. Nhất là khi mẹ chồng luôn để ý, soi xét từng hành động, cử chỉ, hơn nữa lại luôn có vẻ không hài lòng khi nàng dâu ăn mặc đẹp hơn hoặc trang điểm khi ra ngoài.

    Bạn nên làm gì lúc này? Hãy chứng minh cho mẹ thấy bạn vừa có thể ra ngoài kiếm tiền vừa chăm lo tốt cho gia đình. Để làm được điều này, bạn phải biết cách sắp xếp công việc và biết xác định mức độ ưu tiên giữa gia đình và công việc phù hợp từng thời điểm. Bạn cũng có thể lôi kéo mẹ chồng vào cuộc sống mới, cho bà thấy hơi thở của cuộc sống hiện đại bằng việc đưa bà đi chăm sóc, làm đẹp, mua sắm, cho bà thấy những gì bạn làm bên ngoài để bà hiểu cuộc sống của bạn hơn.

  • 4

    Bất đồng trong phương pháp dạy trẻ

    Công việc bận rộn và nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống khiến các nàng dâu không có nhiều thời gian chăm sóc con mình. Và vì thế, các nàng dâu buộc lòng phải nhờ tới sự giúp đỡ của ông bà. Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như phương pháp nuôi dạy trẻ của hai người giống nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây chính là mẹ chồng và nàng dâu lại có suy nghĩ và phương pháp nuôi trẻ khác hẳn nhau.

    Nếu như nàng dâu hàng ngày lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức nuôi dạy trẻ khoa học hơn thì các mẹ chồng vẫn làm theo ý mình với suy nghĩ “ngày xưa mẹ vẫn nuôi chồng con như thế, có sao đâu, vẫn lớn khôn cả đấy thôi”. Không thể thuyết phục mẹ chồng, nàng dâu đâm ra bực bội và mâu thuẫn nảy sinh.

    Cách giải quyết những mâu thuẫn thường gặp với mẹ chồng

    Bạn nên làm gì lúc này? Điều này khá nhạy cảm, bạn không thể nói cách dạy của bà là sai vì như vậy sẽ không bao giờ thuyết phục được bà. Nếu như mẹ bạn bắt đầu nuôi dạy cháu không đúng, bạn cứ biết thế và đừng gạt đi ngay. Nếu gạt đi ngay, mẹ chồng bạn sẽ bẽ mặt và càng kiên định với cách nuôi dạy cháu của mình. Vậy nên, đừng cho mẹ chồng biết bạn bất đồng với cách nuôi dạy đó. Cứ bình thường, sau đó, bạn hãy làm như tình cờ đọc một bài viết rồi kể hoặc cho mẹ chồng xem để bà tham khảo. Làm như vậy, mẹ chồng sẽ thấy dễ chịu hơn. Hoặc giả nếu bà vẫn khăng khăng với ý kiến của mình, bạn có thể nói chuyện nhẹ nhàng với bà, đưa ra cho bà lý do vì sao ngày xưa làm thế được, bây giờ thì không. Nếu thực sự bạn có lý, mẹ chồng sẽ không nỡ gạt bay biến. Nhất là khi bạn đã thẳng thắn và chân thành như thế.

  • 5

    Nàng dâu ức chế vì bị mẹ chồng can thiệp vào cuộc sống riêng

    Mặc dù con trai đã lấy vợ nhưng phần lớn các bà mẹ vẫn quan tâm và chăm sóc cho con trai. Bà thường xuyên vào phòng riêng của hai vợ chồng và đôi khi tự ý thay đổi vị trí đồ đạc theo ý mình. Các nàng dâu thì coi đó là sự xâm phạm đời sống riêng tư và cảm thấy mình không được tôn trọng. Mâu thuẫn cũng từ đó mà phát sinh.

    Bạn nên làm gì lúc này? Nếu thấy hiện tượng này xuất hiện, bạn hãy “dĩ độc trị độc”, hỏi ý kiến mẹ chồng rằng bạn nên sắp xếp lại phòng riêng ra sao. Thậm chí có thể đi mua đồ với mẹ Trong quá trình trao đổi đó, bạn vờ như vô tình “nhắc nhở” mẹ chồng rằng có những thứ trong phòng con sắp xếp là có dụng ý. Với một vài trường hợp, bạn có thể tạo thói quen ngay từ khi về nhà chồng rằng treo một tấm biển có dòng chữ vui vui có hàm ý đây là phòng riêng của vợ chồng con. Có thể, dòng chữ đó sẽ nhắc nhở mẹ chồng giúp bạn. Nếu sau đó, bà cảm thấy khó chịu thì bạn không nên áp dụng biện pháp này nữa. Điều cuối, bạn đừng bao giờ cự tuyệt lòng tốt của một bà mẹ với con trai mình mà hay tận dụng nó để cuộc sống của bạn được thoải mãi hơn.