Mỗi ngày, chúng ta đều xem tin dự báo thời tiết nhưng liệu có hiểu hết tất cả chỉ số trong bản tin dự báo thời tiết thể hiện?
Khi nói tới điều kiện khí hậu, người ta phải đề cập đến nhiều yếu tố quan trọng, chứ không chỉ đơn thuần là nhiệt độ môi trường, đó là: nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và bức xạ nhiệt, chỉ số UV… Các yếu tố này có tác động qua lại chặt chẽ, có thể làm tăng hoặc giảm độ khắc nghiệt của môi trường xung quanh.
Cách đọc chỉ số nhiệt độ trong tin dự báo thời tiết
Nhiệt độ là chỉ số quen thuộc và dễ hiểu nhất trong dự báo thời tiết. Nhiệt độ môi trường thuận cho cơ thể là 20 – 25 độ C. Với mức nhiệt này, cơ thể cảm thấy dễ chịu, hoạt động tối ưu mà không thấy hoặc có rất ít các rối loạn xảy ra.
Cơ thể có cảm giác nóng bức khi nhiệt độ từ 33 độ C trở lên. (Ảnh: CT Sinus Center).
Nhiệt độ trung bình da ước chừng khoảng 33 độ C. Do đó, nếu như nhiệt độ môi trường từ 33 độ C trở xuống thì cơ thể có khả năng tỏa nhiệt ra ngoài và không thấy có cảm giác nóng bức. Nhưng nếu nhiệt độ môi trường từ 33 độ C trở lên, cơ thể sẽ tiếp nhận thêm nhiệt độ từ môi trường gây ra cảm giác nóng.
Khi dự báo nhiệt độ môi trường, cơ quan dự báo thường thông báo 2 chỉ số thấp nhất (về đêm) và cao nhất (về trưa chiều). Con số cao nhất để dự đoán trước sức nóng cơ thể có thể phải chịu.
Ngoài ra cũng cần chú ý, một số ứng dụng có bổ sung thêm nhiệt độ RealFeel – được hiểu là nhiệt độ thực tế (ngoài trời) có thể cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với mức nhiệt được dự báo. Sự chênh lệch nhiệt độ này là do tác động của các chỉ số khác như độ ẩm, gió, cường độ ánh nắng mặt trời…
Cách đọc chỉ số lượng mưa trong tin dự báo thời tiết
Lượng mưa là đại lượng thể hiện mức độ nước mưa nhiều hay ít sau mỗi cơn mưa. Lượng mua được đo bằng lượng nước mưa thu được trên một bề mặt phẳng không bị nhà cửa hay cây cối bao phủ hay che lấp và được tính bằng mm (milimét).
Lượng mưa 1 mm nghĩa là lượng nước mưa thu được trên 1 mét vuông mặt đất phẳng sau khi mưa là 1 mm. Như vậy, nếu đo được lượng mưa 200 mm nghĩa sau cơn mưa nước sẽ ngập 200mm trên 1 m vuông đất (trong điều kiện đất không ngấm nước). Trên thực tế, nước sẽ ngấm xuống đất và chảy ra sông suối nên ta ít khi cảm nhận được lượng mưa, trừ trường hợp những ngày mưa lớn.
Hàng năm, tại Việt Nam có khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình từ 1.500 đến 2.000mm, phân bố không đều. Trên diện tích Việt Nam, mỗi năm được nhận chừng 600 tỷ tấn nước mưa, tương đương khoảng 20.000 tấn nước mưa trên một ha, tập trung phần lớn vào mùa mưa.
Cách đọc chỉ số tia tử ngoại (UV) trong tin dự báo thời tiết
Chỉ số tử ngoại (UV index) là số đo theo tiêu chuẩn quốc tế về cường độ tia cực tím chiếu lên bề mặt trái đất – nhằm đánh giá mức độ bức xạ cực tím tại một địa điểm cụ thể vào một ngày cụ thể.
Chỉ số này nhằm khuyến cáo người dân các biện pháp phòng hộ phù hợp vì việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, lão hóa da, ức chế miễn dịch và ung thư da.
Nên che chắn kĩ khi ra đường trong ngày nắng gắt để bảo vệ da. (Ảnh: Anitasfeast).
Chỉ số UV được tính từ 1 đến 11+, hiển thị từ thấp đến cao theo các màu xanh lục, vàng, cam, đỏ, tím và có kèm theo các khuyến cáo.
Các chỉ số UV được tính từ 1 đến 11+.
Cách đọc chỉ số độ ẩm trong tin dự báo thời tiết
Độ ẩm là đại lượng vật lí đặc trưng cho mức độ có nhiều hay ít hơi nước trong không khí; là một đặc trưng quan trọng của thời tiết và khí hậu. Theo các nhà nghiên cứu độ ẩm trong không khí được chia làm 2 loại: độ ẩm tuyệt đối và độ ẩm tương đối.
Độ ẩm tuyệt đối là hàm lượng hơi nước trong một đơn vị thể tích không khí tức là bao nhiêu mg nước/cm3 không khí. Nhưng trong thực tế độ ẩm tuyệt đối không thể hiện được điều gì cụ thể bởi nó không liên quan đến khả năng bay hơi của không khí.
Độ ẩm tương đối được biểu diễn theo dạng phần trăm (%), độ ẩm tương đối 100% thể hiện rằng không khí chứa đầy hơi nước, tới trạng thái bão hòa.
Độ ẩm cao trong thời gian dài dễ dẫn đến nhiễm lạnh. (Ảnh: Blog – Reliance Home Comfort).
Ở Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm, độ ẩm tương đối có khi rất cao (90 – 100%). Độ ẩm cao cũng làm khả năng thoát mồ hôi kém đi, cơ thể trở nên nặng nề, mệt mỏi, thiếu sức sống, nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiễm lạnh, cảm cúm…
Ở nơi có độ ẩm cao (mưa nhiệt đới) không khí thường xuyên ẩm ướt chứa mật độ vi khuẩn rất cao có thể gây khó chịu cho con người, gây ẩm mốc, làm bong tróc giấy dán tường… đây chính là tác nhân gây nên những bệnh về hô hấp khó thở, sốt xuất huyết, bệnh tiêu hóa đối với cả người và động vật. Độ ẩm cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các thiết bị điện, điện tử.
Ngược lại, nhiệt độ tăng, thời tiết ấm dần lên, độ ẩm trong không khí sẽ giảm xuống mức nhất định. Khi độ ẩm xuống quá thấp (vùng cực, sa mạc, núi cao) con người sẽ bị thiếu nước dẫn đến da khô, nứt nẻ khó chịu… sức để kháng của động thực vật cũng giảm hơn.
Cả độ ẩm thấp và độ ẩm cao cũng có tác hại nhất định đến đời sống con người, vì thế việc duy trì độ ẩm ở mức thích hợp là điều hết sức cần thiết.
Theo các nhà nghiên cứu, độ ẩm lý tưởng nhất, khiến con người cảm thấy sảng khoái là khoảng 50-60%, quá trình thoát mồ hôi xảy ra tốt hơn, con người cảm thấy thoải mái, tinh thần sảng khoái hơn.
Cách đọc chỉ số điểm sương trong tin dự báo thời tiết
Điểm sương của một khối không khí, ở áp suất khí quyển cố định, là nhiệt độ mà ở đó thành phần hơi nước trong khối không khí ngưng đọng thành nước lỏng. Nói cách khác, điểm sương là nhiệt độ mà độ ẩm tương đối của khối không khí đạt đến 100%.
Điếm sương xác định độ ẩm tương đối. Khi độ ẩm tương đối cao, điểm sương gần với nhiệt độ hiện tại của không khí. Nếu độ ẩm tương đối là 100%, điểm sương sẽ bằng hoặc cao hơn nhiệt độ không khí lúc đó. Nếu độ ẩm tương đối giảm, điểm sương sẽ thấp hơn đối với cùng một nhiệt độ của khối không khí.
Những người đã quen với khí hậu lục địa thông thường bắt đầu cảm thấy khó chịu khi điểm sương đạt tới khoảng 15° – 20°C. Phần lớn những người sống trong khu vực này sẽ cho rằng điểm sương trên 21°C là rất ngột ngạt.
Theo VOH