Đã qua rồi cái thời đói khổ, nay người ta tìm đến muối vừng với một niềm khao khát được trở về miền kí ức tuổi thơ có nắm cơm trắng dẻo bùi của bà, của mẹ hay gói xôi lá bàng dẻo thơm nóng hổi của những gánh hàng rong. Món của “con nhà nghèo” một thời nay đã trở thành thứ đặc sản giữa một rừng các món ăn mới lạ của cuộc sống hiện đại. Thực tế mà nói, cơm nắm muối vừng hay xôi trắng muối vừng… là những món ăn sạch an toàn và chứa nhiều giá trị dinh dưỡng như tinh bột, chất đạm, chất béo, đường, vitamin…Làm muối vừng không hề khó, nguyên liệu lại đơn giản dễ kiếm, với sự trợ giúp của máy xay hay lò vi sóng, bạn có thể tự làm muối vừng để ăn với cơm hoặc xôi… mà không hề tốn nhiều thời gian như thời trước phải giã tay hoàn toàn.
Dưới đây là cách làm muối vừng nhanh gọn nhẹ.
Nguyên liệu làm muối vừng
– 100g vừng
– 200g lạc
– 1 thìa phở muối hạt
Cách làm muối vừng
– Cho vừng vào chảo rang cho vừng chín đều. Rang ở lửa nhỏ và liên tục đảo đều. Với lượng vừng ít bạn nên dùng xoong nhỏ thì đảo vừng dễ hơn, vừng chín đều hơn. Khi vừng chín sẽ có tiếng nổ lách tách, bạn rang cho tới khi không còn tiếng lách tách nữa thì tắt bếp. Trút vừng ra bát riêng, để nguội.
– Cho muối vào chảo rang cho khô, để nguội.
– Cho lạc vào chảo rang nhỏ lửa cho tới khi chín vàng, thơm, để nguội.
Bạn có thể rang lạc bằng lò vi sóng bằng cách đổ lạc vào 1 bát sứ rộng miệng, cho vào lò, nhấn nút quay trong vòng 5-7 phút (tùy lò), thi thoảng mở lò ra, dùng đũa đảo đều.
Lạc rang phải chờ nguội thì mới giòn. Sau đó xát vỏ, xẩy cho hết vỏ.
– Xay lạc nhỏ bằng cối xay đồ khô (không xay mịn vì lạc có dầu sẽ khiến nó bị bết lại). Nếu không có máy xay, dùng chày và cối để giã hoặc cho lạc vào một túi nilon dày, hay một túi vải sạch, sau đó dùng chày đập vụn .
Để lạc riêng một bát.
– Cho vừng và muối vào cối xay nhỏ để chất béo trong vừng bọc lấy muối tạo nên tính quân bình (Dương trong, Âm ngoài) giúp cơ thể hấp thu tốt hơn.
– Trộn lẫn lạc xay vụn cùng với muối vừng, trộn đều và cho vào lọ thủy tinh đậy kín, bảo quản cẩn thận để giữ được hương thơm của vừng và độ giòn của lạc.
Cái mùi thơm bùi, đậm đà của muối vừng như được lan tỏa rộng hơn khi rắc lên trên một bát cơm hay một gói xôi nóng hổi. Hương vị ấy là hương vị của đồng quê, của tuổi thơ bé nhỏ mà có lẽ rất nhiều người muốn được nâng niu, tận hưởng. Trong kí ức của tôi, gói xôi lá mà mỗi sáng mẹ tôi mua cho tôi ăn lót dạ trước khi đến trường lúc nào cũng thơm mùi muối vừng, đặc biệt là những sớm mùa đông. Chao ôi là nhớ…
Chúc bạn thành công với cách làm muối vừng được giới thiệu ở đây.
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.