Do bị gene di truyền “ngược đãi”, vận động viên Ruxtam Akhơmetôp (Liên Xô cũ) vốn chỉ cao dưới trung bình. Nhưng nhờ tập luyện, anh đã cao đến 187 cm
Có hai yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao là gene di truyền và hoàn cảnh sống (chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao).
-
1
Ăn nhiều đạm và canxi
Có 3 giai đoạn chủ yếu góp phần quyết định chiều cao của cơ thể: Giai đoạn bào thai (nhất là 6 tháng cuối), 5 năm đầu tiên của cuộc đời) và đặc biệt là khi bước vào tuổi dậy thì. Bởi vậy, để con có tiềm năng phát triển tốt chiều cao, khi mang thai người mẹ cần ăn uống đa dạng, bảo đảm tăng đủ 10-12 kg trong 9 tháng. Trẻ sinh ra nếu đủ cân (3 kg), dài hơn 50 cm thì đó là một khởi đầu tốt để phát triển sau này.
Khi cơ thể đang lớn, muốn phát triển chiều cao tốt, không nên ăn uống kiêng cữ mà phải ăn được nhiều thứ, nhất là đủ protein (có nhiều trong thịt nạc, cá, trứng, sữa, các hạt họ đậu) và canxi (có nhiều trong sữa, cá hộp nguyên xương, cá nhỏ kho nhừ ăn cả xương, tôm, cua, ốc, rau xanh). Sữa là thực phẩm lý tưởng cho chiều cao vì có nhiều canxi rất dễ hấp thụ, lại giàu protein.
Hơn nửa thế kỷ trước, người Nhật vốn thấp lùn, nhưng ngày nay do đời sống kinh tế cao, ăn uống đầy đủ nên họ đã cao lên nhiều.
-
2
Phải tập nhiều mới cao được
Muốn tăng nhanh chiều cao, cần tạo nếp sống ham tập luyện ngay từ tuổi thiếu niên. Sau 22 tuổi, việc tập luyện chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh cường tráng chứ không giúp cao thêm được nữa.
Một gương sáng tăng chiều cao nhờ thể dục thể thao là Ruxtam Akhơmetôp. Anh bị gene di truyền ngược đãi, bố mẹ và những người thân đều thấp dưới mức trung bình. Bản thân Ruxtam còn thấp hơn, đến 14 tuổi thì không lớn được nữa. Nhưng anh đã quyết tâm rèn luyện để tăng chiều cao, và may mắn được một huấn luyện viên có tên tuổi giúp đỡ. Cách tập của Ruxtam có thể gọi là khổ luyện với thời gian và cường độ lớn, chủ yếu là các động tác nhằm vươn dài người như nhảy cao, nhảy xa, đánh đu… Nhờ đó, anh đã cao lên rất nhiều, đến 187 cm, và trở thành vận động viên xuất sắc.
Các nhà nghiên cứu cho biết, tập luyện đúng phương pháp làm tăng quá trình trao đổi chất và tuần hoàn máu, tăng tiết hoóc môn tăng trưởng GH, tăng trọng khối xương. Việc tập cường độ cao 1,5-2 giờ mỗi ngày có thể làm tăng GH lên 3 lần. Ở những người tập ban ngày, về đêm lại thấy tăng GH lần nữa.
Việc tập nhẹ nhàng trong một thời gian ngắn (như thể dục buổi sáng, đi bách bộ) hay tập quá lâu, quá nặng nhọc (chạy maraton, cử tạ…) cũng không thúc đẩy phát triển chiều cao.
-
3
Cần ngủ đủ
Giấc ngủ rất quan trọng vì quá trình phát triển chiều dài xương trẻ em diễn ra vào ban đêm. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ đặt một thiết bị cảm biến vào xương chân những con cừu non và nhận thấy 90% sự phát triển xương diễn ra trong lúc đang ngủ, hoặc đang nghỉ ngơi.
-
4
Dùng thuốc tăng chiều cao
Đó là chế phẩm chứa hoóc môn tăng trưởng GH, áp dụng cho trẻ thấp lùn do thiếu hoóc môn này, do bác sĩ chỉ định và theo dõi. Việc điều trị đạt kết quả tốt nhất khi trẻ 3-7 tuổi.
Tuy nhiên, đây là phơng pháp rất tốn kém, và trẻ phải được tiêm hằng ngày cho đến hết tuổi dậy thì hoặc khi đạt chiều cao bình thường.
-
5
Phẫu thuật kéo dài chân
Sau tuổi 22, hoóc môn tăng trưởng, chế độ ăn và tập luyện đều không giúp tăng chiều cao nữa. Nếu tha thiết muốn cao thêm chỉ còn hy vọng cuối cùng là phẫu thuật kéo dài xương chân. Đây là phương pháp do giáo sư Ilizarôp người Nga đề xướng từ nửa thế kỷ trước. Kỷ lục kéo dài xương -33 cm – do một bác sĩ Mỹ lập.
Các bác sĩ cắt rời một chỗ trên đoạn xương cần kéo dài, xuyên các đinh ốc qua cả hai đoạn xương rời ra đó, rồi gắn vào khung. Đến ngày thứ 6, họ bắt đầu chỉnh vít cho hai đoạn xương rời cách nhau 1 mm, hai đầu xương sẽ phát triển để nối với nhau. Khi xương mới liền, bác sĩ lại điều chỉnh vít giãn ra 1mm nữa, cứ như vậy cho đến khi đạt chiều dài hợp lý.
Trung bình để kéo dài xương chân thêm 5-7 cm, bệnh nhân phải mang khung cố định trong 10-12 tháng. Sau 1 tuần nằm viện, người bệnh có thể về nhà, điều chỉnh khung theo hướng dẫn.
Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém và mất nhiều thời gian nên khó áp dụng rộng rãi.