Nhập nhèm trái cây Trung Quốc
Tiến hành khảo sát các gian hàng bán trái cây tại chợ Văn Thánh, chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), và các gian bán trái cây dọc đường Bạch Đằng, đường Võ Văn Kiệt, đường Trần Não thì các chủ hàng đều khẳng định trái cây họ nhập không phải trái cây Trung Quốc.
Tại cửa hàng trái cây chợ Văn Thánh, khi hỏi về nguồn gốc của loại táo đỏ thì chủ cửa hàng cho biết táo được nhập từ Mỹ và có dán tem đầy đủ. Tuy nhiên, quan sát những quả táo được trưng bày thì thấy nhiều quả không được dán tem như chủ hàng giới thiệu.
Tại chợ Văn Thánh, Bình Thạnh, nhiều loại trái cây không được dán tem dù được giới thiệu là hàng ngoại.
Tương tự với trái lê, chủ cửa hàng quảng cáo lê có xuất xứ New Zealand nên rất ngon. Khi hỏi lê không dán tem thì căn cứ nào để khẳng định lại trái cây này là của New Zealand, thì chủ hàng giải thích để tem nhìn không đẹp nên không dán.
Trái cây tại các siêu thị đều được khẳng định không phải hàng Trung Quốc.
Tại các siêu thị như Co.op Mart, Big C, Lotte… mặt hàng táo, lê hiện nay đều được các đơn vị khẳng định là không có hàng Trung Quốc.
Ghi nhận tại các siêu thị này cũng cho thấy các loại táo Mỹ, táo Úc, New Zealand xuất hiện đa dạng trên các quầy kệ với mức giá từ hơn 60.000 đồng tới 90.000 đồng/kg.
Nhiều người cảm thấy băn khoăn khi lựa chọn những trái cây ngoại nhập.
Chị Lương, khách hàng mua trái cây tại siêu thị mini Bigcexpress (đường Trần Não, Quận 2) cho biết: “Tôi thường nhìn vào tem dán trên các trái để nhận biết nó xuất xứ từ nước nào. Nhiều khi có quả dán tem, quả không, thậm chí không quả nào dán, nên người bán nói thế nào tôi biết vậy. Nếu có sự sai lệch trong việc dán tem xuất xứ sản phẩm tôi cũng không thể biết được”.
Nhận biết bằng cách quan sát trái cây
Trong khi không thể xác minh được đâu là trái cây Trung Quốc, đâu là trái cây của các nước khác, thì nhiều người đã có cách nhận biết bằng cách quan sát hình thức của các loại trái cây này.
Chị Hường đang mua hàng tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình cho rằng: “Nếu hỏi các chủ hàng thì họ sẽ khẳng định đó không phải là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, sau nhiều lần mua, mình có thể nhận biết đó là hàng Trung Quốc hay hàng Mỹ, hàng Thái Lan”.
Với kinh nghiệm của mình chị Hường rút ra: “Nho Trung Quốc to tròn, có lớp vỏ màu nhạt, ăn vị chua, mềm, bở và nhiều hạt. Nho Phan Rang thường quả nhỏ, có màu đỏ hoặc tím nhạt, quả mọng, sờ vào quả thấy chắc và cứng, cuống rất tươi, chùm ngắn, vị chua đậm. Nho Mỹ vỏ sậm hơn, thuôn dài, vị ngọt, giòn, rất ít hoặc không có hạt”.
Táo Trung Quốc có màu nhạt và tròn hơn táo Mỹ.
Chị Phương, tiểu thương bán trái cây ngoại tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, cho biết, trái bom (táo) Trung Quốc rất dễ nhận biết so với táo Mỹ, New Zealand. Táo xanh Trung Quốc có vỏ màu xanh nhạt gần như là xanh trắng, ăn có vị chát. Táo đỏ (còn gọi là táo năm góc) kích cỡ thường lớn nhỏ khác nhau, độ chênh góc không đều nên khi đặt đứng thường bị nghiêng. Táo Fuji, người dùng thường nhầm lẫn là táo Nhật, có màu đỏ nhạt, không đều trên cả bề mặt, không có độ láng bóng. Táo Trung Quốc còn có loại gọi là táo xanh đường, hình thức tương tự táo Fuji, màu hồng nhạt. Đây là loại táo Trung Quốc có giá rẻ nhất. Táo Mỹ có nhiều màu sắc khác nhau nhưng đặc trưng là quả đậm màu, đỏ đậm, hoặc màu xanh đậm, trái vừa, đồng đều, ăn giòn và ngọt.
Đối với trái nho, chị Phương cũng đưa ra kinh nghiệm: “Có thể nhận biết dễ nhất thông qua việc cầm thử. Nho Mỹ trái săn chắc và đồng đều, không bị nhũn, không hay rụng”.
Cam Vinh (trái) tròn, nhỏ, có màu xanh vàng. Cam Trung Quốc có màu vàng tươi, vỏ mỏng, trơn láng, không hạt; múi có mùi úng.
Tiểu thương Nhung, chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, cũng cho biết trái cam chỉ có theo mùa, từ khoảng tháng Mười âm lịch đến Tết, trái to, quả có màu đậm, vỏ mỏng, bề mặt vỏ mịn màng, phần cuống hơi nhọn và phần đít quả hơi bầu; đôi khi có kèm theo cả cành lá, không hạt. Còn cam Mỹ, Úc hoặc Nam Phi có màu vỏ cam nhạt hơn cam Trung Quốc nhưng bề mặt vỏ lại dày, căng, xù xì hơn. Giá cam Mỹ tại chợ hiện là 60.000đ/kg. Cam Vinh (Việt Nam) trái tròn, nhỏ, có màu xanh vàng, vỏ thường bị nám.
Cũng theo chị Nhung, giá trái cây Trung Quốc thường rẻ hơn 2-3 lần so với sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác. Ví dụ, táo Mỹ bán 80.000-150.000 đồng/kg, hàng Trung Quốc chỉ 50.000 đồng/kg, nho Mỹ từ 135.000-200.000 đồng/kg, trong khi hàng Trung Quốc chỉ từ 50.000-70.000 đồng/kg, lê, cam giá cũng cách nhau 50.000-80.000 đồng/kg.
“Hầu hết các loại trái cây nhập khẩu đều có chất bảo quản để giữ thời gian dài trong quá trình vận chuyển. Tốt nhất nên sử dụng trái cây trong nước để bảo đảm tươi ngon; mua trái cây đúng mùa (vì trái cây trái vụ thường phải “xử lý” chất kích thích tăng trưởng, bảo quản nhiều hơn). Để hạn chế hóa chất nên ngâm trái cây trong nước muối loãng 30 phút và gọt, bóc vỏ trước khi ăn. Không ăn trái cây có ruột bị nhũn, màu khác thường và có mùi lạ”, chị Lĩnh, người mua trái cây chợ Thị Nghè, Bình Thạnh đưa ra lời khuyên.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức xác nhận, hàng đêm số lượng trái cây Trung Quốc như táo, lê, cam vẫn chiếm 50% sản lượng trái cây ngoại nhập tại chợ. Tuy nhiên, đối với sản phẩm bán tại đây, chợ vẫn phân thành khu bán sản phẩm rõ ràng. Còn việc phân bổ và bán hàng cho ai và bán như thế nào thì do tiểu thương hợp đồng với khách hàng. Bà Hà cũng đưa ra cách phân biệt hàng Trung Quốc hay hàng Mỹ qua việc xem mã vạch trên tem. Những loại trái cây có dán tem nhưng tem không có mã vạch là hàng Trung Quốc.
Tem dán trên táo Mỹ có mã vạch.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong năm 2013, táo là sản phẩm được nhập với số lượng lớn, trị giá 23,8 triệu USD, trong đó có tới 53.000 tấn (chiếm 75% lượng táo nhập vào Việt Nam) là có xuất xứ từ Trung Quốc.
Riêng 8 tháng đầu năm 2014, lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chiếm tới 57% tổng lượng táo nhập khẩu. Mặt hàng cam có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới 88% tổng lượng cam nhập về trong năm 2013.
Nguồn: Theo phununews
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.