Tháng thứ 7 – tháng đầu tiên của thai kì thứ 3, cũng là thai kỳ cuối cùng mẹ trải qua. Bắt đầu từ tuần thứ 29 đến 32, mẹ sẽ được trải nghiệm những thay đổi cùng nhiều cảm xúc mới mẻ, đặc biệt.
– Vào tháng thứ 7, những cơn đau lưng đến với mẹ nhiều hơn, do bụng bầu ngày càng lớn và nhô lên về phía trước tạo áp lực lên xương sống.
– Bước sang thai kỳ cuối cùng này, mẹ cần chú ý đến cân nặng của mình bởi cân nặng sẽ tăng rất nhanh trong 3 tháng cuối. Kiểm soát cân nặng giúp mẹ tránh được vấn đề đau lưng kéo dài và tăng khả năng sinh thường.
– Mẹ bắt đầu lạch bạch giống như “vịt bầu”, hai chân khi bước dạng rộng hơn, vừa để đỡ bụng bầu, vừa để giữ thăng bằng cho thân hình to như… gấu.
– Ngoài những thay đổi về hình dáng bên ngoài, tâm lý mẹ bầu cũng phức tạp khó đoán hơn. Dễ vui, dễ buồn, dễ khóc, dễ cười là những đặc điểm tâm lý của mẹ trong giai đoạn này.
– Hết tháng thứ 7, tâm lý mẹ sẽ ổn định và thăng bằng hơn.
– Bụng căng tức khó chịu cùng những cơn chuyển dạ giả bắt đầu xuất hiện.
– Vào tháng thứ 7, mẹ bầu bắt đầu lên kế hoạch mua sắm đồ sơ sinh cho bé. Mẹ hãy lên danh sách những đồ cần mua để tránh lãng phí tiền bạc nhé.
Cơ thể mẹ thay đổi thế nào trong tháng thứ 7
Có rất nhiều thay đổi đến với mẹ trong tháng thứ 7 thai kỳ. Mẹ cảm thấy bụng mình to lên rõ rệt, ngoài ra còn có những thay đổi khác như:
– Mẹ bầu bị phù nhiều hơn, chân và tay trông to hơn do cơ thể sản xuất thêm lượng máu bổ sung đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi.
– Người luôn cảm thấy nóng bức bất kể thời tiết đang là mùa đông hay mùa hè.
– Ngực dày và nặng hơn trước. Các đường gân trên ngực nhìn rõ hơn, núm vú sẫm màu hơn.
– Mẹ bầu không thể cúi người xuống thấp do bụng bầu đã to.
– Bé tăng dần chiều dài, trọng lượng, khiến mẹ luôn cảm thấy buồn tiểu tiện suốt ngày suốt đêm.
– Chóng mặt, mệt mỏi tăng dần vì ban đêm ngủ không được ngon giấc.
– Mẹ có thể bị giãn tĩnh mạch ở chân và âm hộ.
– Bụng lớn dần với tốc độ nhanh chóng mặt, khiến mẹ không thể đi nhanh.
– Tăng cân nhanh hơn.
– Vào cuối tháng thứ 7, mẹ sẽ gặp triệu chứng hụt hơi, khó thở.
– Ngực bắt đầu tiết sữa non.
– Mẹ bầu cần bổ sung thêm thuốc sắt. Ăn nhiều thực phẩm chứa sắt, ngoài ra bổ sung thêm vitamin C.
– Tâm trạng thay đổi liên tục do tăng sản xuất hormone thai kỳ.
– Mẹ cảm thấy được kết nối nhiều hơn với con yêu ở trong bụng.
– Xuất hiện các cơn chuyển dạ giả. Các cơn chuyển dạ giả cho mẹ thời gian chuẩn bị và thích nghi với các cơn chuyển dạ thật sắp tới.
Cơ thể bé thay đổi những gì?
– Vào cuối tháng thứ 7 này, bé sẽ dài khoảng 46cm. Bác sỹ sẽ theo dõi sát sao cân nặng cũng như chiều dài của bé.
– Tháng thứ 7 này bé ngủ nhiều hơn nhưng đa phần là giấc ngủ REM (ngủ lim dim, không sâu, dễ bị đánh thức bởi các tác động bên ngoài).
– Phát triển thiên về vận động và thần kinh. Hàng triệu tế bào nơron thần kinh được hình thành nhanh chóng trong não bộ bé. Bé có thể phản ứng chính xác và lập tức với âm thanh, mùi vị và các tác động khác.
– Bé hoàn thiện hình hài, đầy đủ tay chân và các bộ phận. Bé đang có những bước chuẩn bị tốt nhất để tăng cân nhanh và hình thành mô mỡ dưới da vào tháng thứ 8 tới đây.
– Hệ hô hấp hoàn chỉnh các chức năng. Nếu bé sinh non vào tháng thứ 7 này, bé vẫn có nhiều khả năng sống sót và phát triển khỏe mạnh.
Những lưu ý trong tháng thứ 7 của thai kỳ
Chế độ dinh dưỡng
Mẹ duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng hợp lý, tập trung nhiều vào các loại thực phẩm giàu axit béo Omega-3. Bởi giai đoạn này bé đang phát triển vượt bậc về khả năng nhận thức và thị giác. Các loại thực phẩm như cá, hạt óc chó, hải sản sẽ hỗ trợ tốt nhất cho bé. Tuyệt đối không hút thuốc, uống rượu bia.
Đi bộ thường xuyên
Giai đoạn này mẹ nên đi bộ thường xuyên để giảm chứng phù nề, tăng lưu thông khí huyết. Đi bộ cũng giúp mẹ giải tỏa tâm lý, hạn chế căng thẳng, stress. Mẹ tránh đứng lâu hoặc giữ một tư thế trong thời gian dài.
Tập thể dục
Trước khi áp dụng bất cứ bài tập nào, mẹ nên tham khảo ý kiến của các bác sỹ chuyên khoa. Lưu ý chỉ tập những bài tập nhẹ nhàng, không gây áp lực lên vùng bụng.
Khám thai định kỳ
Sang tháng thứ 7, mẹ cần khám thai thường xuyên hơn để các bác sỹ theo sát quá trình phát triển của bé và phát hiện bất cứ bất thường gì có thể xảy ra.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu trong tháng thứ 7 chủ yếu nhằm xác định mẹ có thuộc nhóm máu Rh- hay không. Nếu như vậy, bác sỹ sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm để xem có kháng thể hay chưa.
Bổ sung sắt
Ngoài việc bổ sung sắt qua đường uống, mẹ cũng nên ăn nhiều thực phẩm dồi dào sắt như thịt đỏ, trứng, ngũ cốc, hoa quả, rau xanh trong tháng thứ 7 này.
Tập thở và ngồi thiền
Tập thở và ngồi thiền là hai bài tập rất hữu ích cho mẹ bầu trong tháng thứ 7 khi triệu chứng hụt hơi, khó thở ngày càng trầm trọng hơn và tâm lý bất ổn, dễ xúc động.
Lam Khê
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.