Ngày 11/10/2015 vừa qua, Trung Quốc đã phát hiện thêm 2 trường hợp mắc cúm A(H7N9) tại Shengzhou và Hangzhou (Chiết Giang, Trung Quốc). 2 trường hợp này đều là nữ 62 tuổi và 51 tuổi, đều nuôi gia cầm trong nhà. Trường hợp bệnh nhân nữ 62 tuổi phát bệnh ngày 1/10/2015, còn trường hợp bệnh nhân 51 tuổi phát bệnh ngày 3/10/2015.
Trường hợp đầu tiên mắc A(H7N9) được phát hiện ở Trung Quốc năm 2013. Trong 2 tháng trở lại đây có 4 bệnh nhân mắc H7N9 đều được phát hiện ở Chiết Giang Trung Quốc.
Đến nay toàn cầu ghi nhận 575 trường hợp mắc cúm A(H7N9) ở người (Trung Quốc (556), Đài Loan (4), Hồng Kông (12), Malaysia (1) và Canada (2)), trong đó 212 tử vong. Riêng đối với trường hợp mắc cúm A(H7N9) báo cáo từ Malaysia và Canada đều có tiền sử là đi từ Trung Quốc về.
Với các trường hợp mắc cúm A (H7N9), khi đi ra nước ngoài cần xem xét mức độ lây lan. Theo WHO, đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus gây cúm A (H7N9) có thể lây từ người sang người.
Để phòng cúm A (H7N9), WHO khuyến cáo du khách tới các quốc gia có dịch cúm gia cầm phải chú ý tránh tiếp xúc với gia cầm tại chợ, trang trại hoặc động vật khác. Ngoài ra, du khách cũng tránh xa các bề mặt có chứa phân của gia cầm hay động vật. Luôn chú ý rửa tay sạch bằng xà phòng sát khuẩn, ăn chín uống sôi và thực hiện biện pháp an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, WHO không khuyến cáo áp dụng sàng lọc tại cửa khẩu, hạn chế đi lại hay giao thương quốc tế. Du khách khi xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng trong khi du lịch hoặc sau khi trở về từ vùng dịch nên được chẩn đoán nhiễm cúm gia cầm.
WHO khuyến cáo các quốc gia tiếp tục tăng cường giám sát hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) và rà soát các mô hình bất thường nhằm đảm bảo phát hiện và báo cáo chính xác các trường hợp mắc ở người theo quy định của Điều lệ Y tế quốc tế (IHR 2005) và tiếp tục có kế hoạch ứng phó cấp quốc gia
Đề phòng chống cúm A(H7N9) ở người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo cần rửa tay với xà phòng, giữ vệ sinh nơi ở cũng như cá nhân, đảm bảo nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn các gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện gia cầm ốm, chết cần phải thông báo cho cơ quan chức năng và cơ quan thú y.
Nếu có các triệu chứng như khó thở, tức ngực, sốt, ho cần phải đi tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, những người trở về nước từ khu vực có dịch phải phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
Đối với với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A(H7N9) WHO đưa ra một số khuyến cáo như sau:
1. Không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm;
2. Tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm;
3. Không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi;
4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng;
5. Luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành vệ sinh cá nhân tốt;
6. Đối với người có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới do cúm A (H7N9) và được khám, chẩn đoán để xác định.
Sau khi bị nhiễm, virut H7N9 sẽ nhân lên trong cơ thể và gây bệnh. Biểu hiện đầu tiên là các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân cùng các biểu hiện viêm đường hô hấp trên như hắt hơi, ho, chảy nước mũi, ngạt mũi, đau họng. Sau đó, bệnh có thể nặng lên rất nhanh khi phổi bị viêm: khó thở, sốt cao liên tục, đau tức ngực. Những trường hợp này bệnh nhân thường tử vong do suy hô hấp cấp mặc dù đã được điều trị tích cực.
Thanh Thủy
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.