Cục Y tế Dự phòng cho biết, trong tháng 11/2014, cơ quan y tế tại Đức và Hà Lan đã thông báo ghi nhận hai ổ dịch cúm A(H5N8) tại hai trang trại gia cầm đã làm dấy lên sự quan ngại về sự lây lan của chủng virus cúm A (H5N8) tại các nước khu vực châu Âu.
Kết quả xét nghiệm cho thấy virus cúm A (H5N8) tại châu Âu có cấu trúc gen tương tự như virus phát hiện ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vào tháng 01/2014 và bắt nguồn từ sự tái tổ hợp các virus bao gồm cả virus cúm gia cầm A (H5N1) hiện vẫn đang lưu hành ở châu Á.
Virus cúm A (H5N8) gây tỷ lệ tử vong cao ở gà, đặc biệt là gà tây, tuy nhiên tỷ lệ thấp hơn ở vịt (khoảng 20%) và không gây các biểu hiện ốm, chết ở vịt trời. Chủng virus cúm A (H5N8) được ghi nhận rải rác trên các đàn gia cầm và chim hoang dại từ năm 2010 đến nay tại một số nước khu vực châu Á, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC), đến nay trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào ở người, tuy nhiên chủng virus này có thể lây truyền từ gia cầm sang người. Người có nguy cao nhiễm chủng virus này là người trực tiếp tiếp xúc, chăm sóc, giết mổ hoặc xử lý gia cầm nhiễm bệnh. Mặc dù, chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người, tuy nhiên người sau khi phơi nhiễm cần được theo dõi sức khỏe ít nhất 10 ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh cũng như để xác định không bị nhiễm virus trong quá trình làm việc.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh cúm gia cầm A (H5N8) diễn biến tại châu Âu và một số nước khu vực châu Á, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các tổ chức quốc tế tiếp tục dõi sát tình hình diễn biến dịch cúm A (H5N8) trên gia cầm và ở người để có các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để chủ động các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
1. Không giết, mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân
2. Không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ.
3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương
4. Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Châu Âu cấp tập phòng chống virus cúm A/H5N8
Ủy ban châu Âu mới đây đã thông qua các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn 1 đợt bùng phát cúm gia cầm mới sau khi các trường hợp mới nhất đã được phát hiện ở Anh và Hà Lan. Các biện pháp bao gồm tiêu hủy động vật tại các khu vực bị nhiễm bệnh và cấm bán các sản phẩm gia cầm từ các vùng này.
Chính phủ Hà Lan đã thông báo virus cúm A (H5N8) có khả năng lây lan cao đang rất căng thẳng tại 1 trang trại gia cầm ở nước này. Tại Hà Lan, đội kiểm dịch đã đến làng Hekendorp tiêu hủy 150.000 con gà tại trang trại bị nhiễm virus. Khu vực quanh đó trong phạm vi 10km cũng được kiểm tra kỹ lưỡng. Nhiều người đang lo lắng về khả năng gây thiệt hại đến uy tín của các sản phẩm gia cầm Hà Lan khi đây là nước xuất khẩu lớn thứ 2 về sản phẩm nông nghiệp trên thế giới, xuất khẩu hơn 6 tỷ quả trứng mỗi năm.
Bộ Kinh tế Hà Lan cảnh báo con người chỉ có thể bị nhiễm virus cúm qua việc tiếp xúc rất gần với gia cầm nhiễm bệnh. Các nhà chức trách đã áp đặt lệnh cấm toàn quốc trong 3 ngày về việc vận chuyển gia cầm và trứng.
Tại Anh 1 trang trại vịt ở Đông Yorkshire cũng có dấu hiệu tương tự. Các quan chức EU cho rằng sự bùng phát dịch bệnh có thể liên quan đến virus cúm gia cầm A (H5N8) được phát hiện tại Đức hồi đầu tháng này – đây cũng trường hợp nhiễm virus này đầu tiên tại châu Âu. Họ cho biết virus cúm có thể đã lan truyền qua các loài chim hoang dã di cư về phía nam trong mùa đông này nhưng các quan chức vẫn đang tiến hành kiểm tra để xác nhận mối liên hệ giữa 3 trường hợp này.
Ủy ban châu Âu đưa ra tuyên bố Anh và Hà Lan phải tiêu hủy gia cầm trong khu vực bị ảnh hưởng, cấm bán các sản phẩm gia cầm và các loài chim đang sống bị nhiễm virus và thiết lập các khu vực an toàn. “Các biện pháp nhằm nhanh chóng đưa vi rút nằm trong sự kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm trong các nước thành viên và các nước khác” – Ủy ban châu Âu cho biết.
Hồi tháng 01/2014, virus cúm A (H5N8) cũng được phát hiện tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hôm thứ Hai (18/11) vừa qua, các quan chức y tế Ai Cập xác nhận trường hợp 1 phụ nữ đã tử vong vì nhiễm virus H5N1 sau khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh ở phía nam nước này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hầu hết các virus cúm gia cầm không lây nhiễm sang người, nhưng H5N1 và H7N9 có thể gây bệnh nghiêm trọng cho con người. Đa số những người bị nhiễm virus đã tiếp xúc gần với gia cầm sống hoặc đã chết. Theo số liệu của WHO, H5N1 đã gây ra tỷ lệ tử vong khoảng 60% ở người và dẫn đến 384 ca tử vong từ năm 2003 đến tháng 12/2013.
Thụy Du (Dịch theo BBC)
Theo congluan.vn
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.