Mỗi khi trời lạnh lại thích lân la mấy hàng ốc luộc, ngao hấp để vừa ăn vừa xuýt xoa. Rồi lại nhớ về bát canh ốc om chuối đậu mà bà hay nấu. Nhớ ngày cuối tuần bố mẹ đi làm bận rộn, buổi trưa lon ton xách cặp lồng lên nhà bà là được bát canh đầy ụ mang về. Hồi đó thường hay thắc mắc bà lần nào nấu xong cũng giữ lại có một bát nhỏ mà mất công làm món này vậy, giờ lớn rồi mới biết do con cháu thích ăn, sao mà không thích được, một bát canh thơm lừng, vị ngọt thanh nóng hổi trong những ngày đông lạnh cơ chứ.
Bát canh ốc của bà ngày ấy lấy đâu ra nhiều ốc nhồi to béo ngậy như bây giờ, thường chỉ là loại ốc vặn nhỏ xíu mà thôi. Bởi vậy mà đến mùa đông mới hay được ăn món này do mùa đông ốc sẽ béo hơn, ăn ngậy hơn, còn mùa hè ốc nhỏ lắm đến khêu còn chẳng được nói gì đến nấu canh.
Ốc mua về phải ngâm nước vo gạo ít nhất là qua đêm (khoảng 4 tiếng) để nhả ra bùn nhớt. Sau đó đem rửa sạch, vừa rửa vừa đảo đều để đất cát còn dính trên vỏ ốc cũng trôi đi. Rồi cho vào nồi luộc. Mẹo nhỏ là khi luộc thì thêm một vài lá chanh hoặc lá gừng.
Ngày xưa nhà nào cũng trồng một khóm gừng nhỏ cả, bây giờ thì chẳng mấy nhà có, cho lá gừng vô ốc cực thơm. Luộc đến chín tới, thấy con ốc mở miệng là được. Vớt ốc ra, phần nước luộc chắt lấy phần nước trong. Khêu lấy thịt ốc, bỏ phần nhớt phía đuôi. Bà tuy đã già những mắt sáng lắm, khêu ốc còn nhanh hơn cả các cháu, dẫu vậy để nấu một nồi canh ốc vặn bà vẫn phải mất đến hàng tiếng.
Đến bây giờ thì có ốc nhồi to làm dễ hơn nhiều, chẳng mất thời gian nữa, ốc luộc chính là đập vỡ cái vỏ trôn ốc, rồi chỉ việc khêu lấy thịt ốc ra. Lúc làm ốc chú ý là bỏ phần nhớt phía đuôi vì nó tanh lắm, và bỏ cả phần ốc con đi để lúc ăn không bị sạn. Sau đó bóp nhẹ phần thịt ốc với muối trắng, rửa dưới nước cho thật sạch sẽ không còn tanh nhớt. Rồi đập thật nhỏ một chút nghệ vàng bóp lẫn với ốc. Cho nghệ vào nước canh và các nguyên liệu sẽ có thêm màu sắc, mà nghệ lại tốt cho dạ dày nữa, mà lại yên tâm mùi hơi hăng hăng của nghệ lại hợp với vị của món canh ốc chuối đậu này.
Chuối phải chọn quả xanh, càng xanh càng tốt chứ không có ương ương một tí cũng được. Bỏ vỏ, cắt đoạn dài hai đốt tay, bổ bốn rồi ngâm nước chanh loãng để không bị thâm. Đậu thì rán vàng, mỡ rán đậu thì dùng để rán luôn thịt ba chỉ. Món này nhất nhất là nên có thêm chút thịt ba chỉ rán non, không cần vàng quá sẽ mất độ mềm và ngọt, thêm thịt ba chỉ canh sẽ ngậy hơn, nước ngọt hơn.
Sau khi rán xong thịt, đổ chút mỡ rán vào nồi, rồi cho tất cả các nguyên liệu gồm ốc, chuối xanh, đậu và thịt đã rán vào. Đảo đều vài phút, nêm chút mắm muối cho đậm rồi mới đổ nước ốc vào, rồi thêm nước lọc cho xâm xấp nước và đun. Còn nhớ những lúc lon ton nấu canh ốc cùng bà hay đểnh đoảng quên mất khâu cho nước ốc vào thường bị bà mắng yêu: “Nước ốc mà còn quên thì mai kia về nhà chồng sao được?”.
Canh đun một lúc đến khi chuối và thịt mềm là được. Thái nhỏ tía tô, lá lốt và hành tươi cho vào để bát canh đầy đủ vị, riêng bát canh ốc của bà lúc nào cũng có thêm vị của lá xương sông. Khóm xương sông bà trồng cũng chỉ để cho vào canh ốc cho thêm vị thơm, có người không thích vị này nếu không quen, còn đứa được ăn từ nhỏ như tôi thì lại chết mê, ăn canh ốc chuối đậu mà thiếu nó cứ như thiếu vị của tuổi thơ vậy.
Bát canh ốc ngon nước phải hơi sệt sệt, chuối mềm nhừ, còn ốc thì giòn sần sật đấy là ốc to, còn ốc nhỏ thì phải ăn cả thìa mới thấy được vị. Đậu rán sau khi nấu canh ngấm nước vô mềm mà ngậy, bát canh vàng ươm cùng bún rối hay bát cơm nóng hổi, nói đến mà chết thèm, không ăn được canh ốc chuối đậu thì cũng phải đi ăn ngay bát bún ốc cho bớt nhớ nhung hương vị ngay mới được.
Summer
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.