Jembatan Akar là một cây cầu ‘sống’ theo đúng nghĩa của nó. Cầu bắc qua sông thiêng Batang Bayang, được tạo thành từ rễ hai cây cổ thụ, với dòng chất dinh dưỡng chảy trong mình và lớn lên hàng ngày.
Nằm trên sông Batang Bayang ở Tây Sumatra, Indonesia, cây cầu nối giữa cư dân hai làng quận Pesisir Selatan được làm từ chính rễ cây sống của hai cây cổ thụ bên bờ. Người dân đặt tên là Jembatan Akar. Jembatan Akar dài 25,4 m, rộng 1,4 m là một trong những cây cầu độc đáo nhất trên thế giới. Cây cầu này có sự sống và phát triển theo thời gian.
Theo thông tin từ trưởng làng Pulik Pulik, ‘cầu sống’ một giáo viên Hồi giáo đến từ làng Lubuak Glare tạo dựng. Năm 1890, Pohan Pakih trồng hai cây Jawi Jawi (loại cây đa lá rộng) một bên bờ sông phía làng Pulik Pulik, cây còn lại bên bờ làng Lubuak. Lúc đó, bắc qua sông đã có chiếc cầu tre độc mộc và đều bị cuốn trôi sau mỗi mùa lũ. Hai cây Jawi Jawi phát triển phủ rễ xuống leo lên thân cầu. Pohan Pakih nảy ra ý tưởng đan các rễ cây bám chặt vào thân tre để níu cầu chắc hơn giúp các học sinh từ làng Pulik Pulik có thể qua sông tới lớp học của ông.
|
Chỉ sau 3 năm, hai cây Jawi Jawi phát triển, rễ nối liền dọc theo thành cầu. Tuy nhiên, nó chưa đủ chắc chắn để người dân đi qua. Phải mất thêm 20 năm nữa, các rễ cây phình to, đan chặt vào nhau đã trở thành cây cầu vững chắc phục vụ dân chúng hai làng.
Cho đến ngày nay, cây cầu vẫn tiếp tục phát triển và đã trở thành điểm thu hút du lịch nổi tiếng ở Sumantra. Tuy nhiên, ở độ cao 3 m so với mặt sông, nơi thường xuyên mưa lũ, dân làng đã bổ sung các tấm ván gỗ và chằng dây thép làm thành cầu để tránh trơn trượt.
|
Jembatan Akar là cầu nối quan trọng giữa hai làng. Tuy nhiên để phục vụ tốt hơn việc qua lại và vận chuyển hàng hóa, một cây cầu hiện đại khác cũng được xây dựng ngay gần ‘cầu sống’.
Câu chuyện về Jembatan Akar càng trở nên thu hút khách du lịch tới đây khi cây cầu bắc qua dòng sông thiêng Batang Bayang. Tương truyền đây là dòng sông thần, ai tắm dưới dòng sông này cũng đều sớm tìm được tình yêu đích thực của đời mình. Mặc dù ở sông có hàng nghìn loài cá Larangan nhưng người dân địa phương nghiêm cấm đánh bắt cá để ăn hay đem bán.