Vì sao cưới nhau rồi người ta “quên” dùng lời yêu?
Tùy từng gia đình, nhưng hầu như sau khi cưới, phần lớn các anh chồng chị vợ dần dần mất đi THÓI QUEN gọi nhau là anh yêu, em yêu. Thậm chí câu em yêu anh/ anh yêu em cũng bị lãng quên.
Tùy vào cách vun đắp tình cảm của mỗi nhà (đa phần thường do từ phía các bà vợ), những câu nói ngọt ngào sẽ được dùng thường xuyên như một cách duy trì thói quen và tình cảm.
Tình cảm vợ chồng cũng giống như một mầm cây, cần chăm bón hàng ngày
Một vài cặp đôi chia sẻ với chúng tôi rằng không phải là họ không thích, không muốn bày tỏ tình cảm như ngày chớm hẹn hò, tán tỉnh nhưng rồi lâu dần không ai “chịu” nói nên thôi. Chị Bích Th (sống tại Gò Vấp), có chồng và hai con trai cho hay: “Nếu như trước khi đi làm, mình chìa má nũng nịu thì chắc chắn ổng sẽ “mi” ngay và nói “Yêu vợ”. Còn cứ thế tay xách nách mang chở con đi học rồi đến công sở thì mạnh ai nấy đi, nhiều khi còn quên chào nhau một tiếng “bình thường” nữa”.
Thực tế, yêu và nói lời yêu cũng là một thói quen. Khi biết vun vén và chăm bẵm hàng ngày thì tình cảm sẽ lớn dần lên. Nếu một thời gian không nói, tới lúc nói thì thấy ngượng miệng. Tình yêu cần cả hai cùng cố gắng và vun đắp. Tình nghĩa vợ chồng cũng giống như một cái cây muốn xanh thì cần chăm tưới nước và chăm bón thường xuyên.
Anh Quốc T. (nhân viên văn phòng) tâm sự: Nguyên nhân sâu xa vẫn là do mình không giữ thói quen quan tâm như thuở mới yêu. Nhất là các ông chồng, họ thường thấy chuyện nói yêu vợ mỗi ngày là không cần thiết. Vì thế mấy ổng thường nghĩ mấy bả “gặp rắc rối” khi bị các “bả” nhắc nhở. T. nghĩ giống như việc hôn các con trước khi đi ngủ, chào tạm biệt… nếu ông bố bà mẹ nào cũng giữ thói quen đó thì sẽ thấy bình thường.
Một số cặp thường quan niệm, vợ chồng rồi thì sao phải khách sáo với nhau. Câu “anh yêu em” hay “em yêu anh” là câu thông dụng khi yêu nhau thì lại bị cho là màu mè, khách sáo khi đã nên vợ nên chồng. Không chỉ những ông chồng loại nó ra khỏi bộ nhớ, mà khi được hỏi rất nhiều chị vợ cũng lắc đầu bảo: Thấy kỳ lắm, ngại sao ấy, ngày xưa thôi chứ giờ ai nói nữa…
Vì trăm lý do khách quan
Anh Hoài B. (giáo viên) cho biết: Sai lầm mà rất nhiều ông bố bà mẹ thường gặp phải là ngại hoặc sợ con cái thấy nếu vợ chồng nói yêu hay hôn nhau. Điều này dễ chứng minh lắm, như chỉ cần trên tivi vô tình chiếu đến đoạn cặp diễn viên nào đó đang hôn nhau thôi thì ngay lập tức bịt mắt con mình lại, chuyển kênh hoặc tắt ti-vi ngay lập tức. Việc sợ con cái bị tiêm nhiễm, và phát triển giới tính sớm làm cho bố mẹ cũng hạn chế bày tỏ yêu thương nhau trước mặt chúng. Dần dà, họ trở thành những ông bố bà mẹ “gương mẫu 100%”.
Chị Phương H. (chủ shop quần áo) chia sẻ rằng mỗi ngày cả hai anh chị đều đi làm từ sáng sớm, tới tối mịt mới về nhà. Mải lo cơm áo gạo tiền đã khiến cho tình cảm vợ chồng nhạt đi rất nhiều chứ chưa nói đến việc nói yêu thương hay chia sẻ tâm tư của nhau. Điều kiện kinh tế không cho phép vợ chồng dành thời gian riêng cho nhau, mỗi người đều có công việc riêng, nên câu “anh yêu em/ em yêu anh” trở thành hàng xa xỉ. Bây giờ, nếu ông xã bảo em nói “Em yêu anh đi” chắc mình cũng đành chịu.
Nhiều người quan niệm, tình yêu của gia đình chỉ là những hành động cụ thể
Sai lầm mà phần lớn các gia đình mắc phải là luôn quan niệm, khi đã chung một nhà, tất cả tình cảm đều thể hiện bằng hành động, việc quan tâm chăm sóc hằng ngày đã đủ nên không cần thiết phải dùng ngôn ngữ. Có nhiều người sẽ thốt lên “Bộ anh làm thế vẫn chưa đủ chứng minh tình yêu với em sao?”, “Ngày nào em cũng cơm ngon canh ngọt, nhà cửa sạch sẽ, dạy dỗ con ngoan học giỏi là đủ lắm rồi”…
Có thể nói, tần suất bày tỏ tình yêu bằng lời nói hiện nay ở các gia đình đều rất hiếm hoi. Không chỉ ở vùng nông thôn, mà ngay cả khu vực thành phố, các cặp vợ chồng đều biện rất nhiều lý do để cho phép mình quên đi lời yêu thương với ông xã, bà xã. Họ không hề biết rằng ngoài việc chia sẻ gánh nặng về mặt kinh tế, công việc chăm sóc con cái, gia đình hằng ngày thì lời yêu thương ảnh hướng rất lớn đến tình cảm và không khí gia đình. Chỉ cần học cách và giữ thói quen chia sẻ, bày tỏ tình yêu mỗi ngày thì sẽ làm cho đời sống hôn nhân ngọt ngào hơn.
Nên bày tỏ tình cảm thường xuyên
Thạc sĩ tâm lí Đào Lê Hòa An
Th.sĩ Tâm lí Đào Lê Hòa An (UVBCHTW Hội Tâm lý học – Xã hội Việt Nam) khẳng định: “Khi còn yêu nhau, tần suất gặp gỡ ít hơn. Câu “anh yêu em/ em yêu anh” được nói ra khi cả hai bên muốn thể hiện tình cảm với đối phương. Nó sẽ làm cho tình cảm giữa hai người được gắn kết nhiều hơn, mặn mà và thân thiết hơn. Còn khi cưới nghĩa là đã thuộc về nhau, đã không cần chinh phục, “bắn tín hiệu” nữa thì lời yêu thương trở nên bình thường, không còn sức hút.
Nhưng nếu thường xuyên bày tỏ tình yêu với người bạn đời thì nó sẽ làm cho tình cảm trở nên ngọt ngào hơn rất nhiều. Điều này rất tích cực đối với đời sống hôn nhân gia đình. Đấy là chất xúc tác để giữ lửa, nguồn nguyên liệu, gia vị để chúng ta làm mới và giữ vững hôn nhân”.
Nguồn: Theo phununews
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.