Chế tạo cao su từ bồ công anh

Các nhà khoa học Đức đã tiến một bước gần hơn đến việc sản xuất cao su thiên nhiên quy mô lớn từ cây bồ công anh.

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sinh học phân tử và sinh thái ứng dụng Fraunhofer ở Aachen đã biến đổi gien của cây bồ công anh Nga, làm cho nó trở nên thích hợp cho việc sản xuất cao su quy mô lớn.

Người Đức, Nga và Mỹ đã từng sản xuất cao su từ cây bồ công anh vào thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, khi cây này được cắt ra, chất nhựa mủ thường bị polymer hóa, khiến việc sản xuất hàng loạt trở nên khó khăn. Nay các nhà nghiên cứu Đức đã xác định được enzyme tác động đến quá trình polymer hóa và đã cách ly nó. “Khi cắt cây bồ công anh, nhựa mủ sẽ chảy ra mà không còn bị polymer hóa. Chúng tôi thu được một lượng nhựa cao gấp 4-5 lần so với bình thường”, giáo sư Dirk Prufer thuộc nhóm nghiên cứu cho biết. 

Cây bồ công anh trồng trong nhà kính ở Đức (Ảnh: Science Daily)

Nếu được trồng trên quy mô lớn, mỗi hécta bồ công anh sẽ cung cấp 500-1.000 kg nhựa mủ trong mỗi mùa trồng trọt. Cao su sản xuất từ bồ công anh cho đến nay chưa gây ra dị ứng gì, nên phù hợp cho việc sử dụng trong môi trường bệnh viện. Bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu Đức sẽ bao gồm trồng bồ công anh theo cách thông thường. Giáo sư Prufer hy vọng có thể đạt mục tiêu đã đặt ra trong vòng 5 năm tới.

Bồ công anh không chỉ dùng để sản xuất cao su, nó còn sản sinh một lượng đáng kể insulin, một chất tạo ngọt tự nhiên. Năm ngoái, các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp và Trung tâm cải tiến sản phẩm sinh học Ohio (Mỹ) đã được cung cấp một khoản tài trợ trị giá 3 triệu USD để thiết kế, xây dựng một nhà máy chế biến cao su từ nhựa bồ công anh.

Khoảng 30.000 sản phẩm hằng ngày sử dụng cao su thiên nhiên, từ bánh xe, ống thông đường tiểu, đến găng tay. Thế giới đã chế tạo được cao su tổng hợp, nhưng loại này không bền dẻo như cao su thiên nhiên do trong thành phần có chứa tạp chất.

 

Theo Khang Huy – Thanh niên (Science Daily, Wired)