Chế tạo thành công máy cấp nhiệt công nghiệp

Cá vằn làm “chuột bạch” thuốc chống nghẽn động mạch

Từ kinh nghiệm của người nhiều năm làm công việc sấy chè, Giám đốc Công ty chè Tùng Lâm Vũ Kiên Chỉnh cùng kỹ sư cơ khí Vũ Ngọc Thủy đã mày mò chế tạo thành công máy cấp nhiệt công nghiệp “Green Flame” (ngọn lửa xanh).

Với chiếc máy này, các chủ trang trại trồng trọt, chăn nuôi với quy mô diện tích khoảng 500m2 có thể tăng nhiệt độ bảo đảm cho cây con phát triển bình thường và ngược lại, mùa hè có thể làm mát không khác một chiếc máy điều hòa nhiệt độ.

Máy có vẻ đơn giản, cấu tạo không có gì rắc rối, gồm hai phần, một thùng chứa nước có lắp các ống thép rỗng và buồng đốt nhiên liệu. Thùng còn lại là hệ thống bơm, quạt hút và đẩy khí. Nước trong bồn được đun nóng bằng các loại củi, than, rơm rạ… đến nhiệt độ cần thiết để cấp khí nóng.

Thông thường sau khi đun khoảng 2 giờ, nước trong bồn đạt khoảng 50 – 600C sẽ không cần cấp nhiệt. Khí nóng được chuyển sang buồng 2 thông qua bộ tản nhiệt. Tại buồng này, quạt hút sẽ hút khí nóng trong hơi nước và đẩy ra ngoài với nhiệt độ khoảng 20 – 250C theo yêu cầu. Máy bơm nước sẽ tự động ngắt khi đủ nhiệt nóng và sẽ tiếp tục bơm khi cần.

Quá trình cung cấp nhiệt làm mát cũng diễn ra theo chu trình như vậy. Khí lạnh trong nước sẽ được quạt hút kết hợp với khí tự nhiên đẩy ra khi cần làm mát. Lúc này nước sẽ không cần đốt nhiên liệu cấp nhiệt làm nóng. Tuy nhiên, theo ông Vũ Kiên Chỉnh, muốn có khí mát hơn chỉ cần cho khay đá vào thùng nước, máy sẽ làm mát được cả ngày theo nhiệt độ yêu cầu. Nếu nhanh hơn nữa thì lắp một thiết bị làm lạnh khoảng 750W với giá 7 triệu đồng như một máy điều hòa nhiệt độ làm mát vào trong bồn chứa nước. Nước trong bồn sẽ được làm lạnh nhanh xuống khoảng 10 – 150C và khi bơm hút thổi ra qua hệ thống quạt sẽ đạt khoảng 15 – 180C. Đây là nhiệt độ phù hợp cho cây trồng, vật nuôi phát triển.

Nguyên lý của máy rất đơn giản nhưng làm thế nào để giảm chi phí nhiên liệu, mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng mới là vấn đề quan trọng. Một máy cấp nhiệt cho diện tích nhà kín rộng khoảng 480m2 chạy dầu của Nhật Bản có giá khoảng 20.000 USD. Các doanh nghiệp Việt Nam mà đặc biệt là chủ trang trại quy mô vừa và nhỏ rất cần loại máy này để điều hòa nhiệt độ, nhưng với giá cả vậy khó có thể kham nổi.

Nhưng máy cấp nhiệt mới Green Flame có giá bán chỉ bằng một phần nhỏ so với máy nhập ngoại. Ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Công ty CP Hoa Nhiệt Đới khẳng định: máy cấp nhiệt loại này rất phù hợp với các trang trại chăn nuôi, trồng hoa cây cảnh ở quy mô vừa ở Việt Nam. Bởi đối với một số loại cây trồng, vật nuôi thì việc giữ nhiệt độ ổn định là rất quan trọng. Ngoài Đà Lạt là vùng có nhiệt độ ổn định thuận lợi cho trồng trọt, chăn nuôi, còn lại hầu hết các vùng ở Việt Nam như: đồng bằng Bắc Bộ, miền núi phía bắc và Trung Bộ mùa hè nhiệt độ rất cao, nóng nực, còn mùa đông lại lạnh giá. Với một số cây trồng ôn đới luôn cần nhiệt độ ổn định khoảng từ 15 – 200C để phát triển thì dùng biện pháp thủ công, che chắn không thể đáp ứng yêu cầu.

Đến nay, không chỉ các doanh nghiệp trong nước biết và tìm đến với chiếc máy mà nó đã được đi giới thiệu, chào hàng và đã chinh phục được những người Nhật Bản “khó tính” trong chọn lựa công nghệ. Mới đây, Công ty Tùng Lâm đã ký hợp đồng với đối tác Nhật Bản cung cấp 200 chiếc máy này từ nay đến tháng 4-2007. Chiếc máy cấp nhiệt công nghiệp “Green Flame” Tùng Lâm seri đầu cũng đã được đăng ký bảo hộ tại Cục SHTT. 

 

Theo Thời báo kinh tế Việt Nam, Nhân dân