Chiếc áo vừa vặn

Chị Hạnh về thị xã nhỏ này sống đã gần mười năm. Nhịp sống ở đây nhẹ nhàng, vừa vặn với những điều chị từng mong muốn. Không khí trong lành, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng và mọi nhu cầu thiết yếu của đời sống đều đầy đủ. Ngày chị cùng anh bỏ thành phố với những cơ hội phát triển nghề nghiệp để lên đây sinh sống, bạn bè ai cũng can ngăn.
 
Họ nói hai người chẳng khác gì đôi đũa lệch, chị hơn anh về mọi mặt, lấy đâu chẳng được chồng giàu, cớ sao phải theo anh về nơi chán ngấy đó. Chị chỉ mỉm cười không một lời giải thích, mải bận bịu nắm níu lấy hạnh phúc của mình.
 
Mà hạnh phúc thì như chiếc áo, chớ mê áo đẹp mà chật, chớ tham áo rộng mà kệch cỡm, chọn được chiếc áo vừa vặn với mình mới là khôn khéo. Chị chọn lựa hạnh phúc giản dị bởi biết nó lâu bền. Những thứ màu mè hoa mĩ chắc gì đã hợp với chị.
Anh minh hoa
Vốn trầm tính, ưa cuộc sống bình lặng lại đam mê nghệ thuật nên chị cần một bến bờ đủ bình yên để neo đậu tâm hồn. Suy cho cùng, dù thật khó để định nghĩa được chính xác hạnh phúc là gì, nó có thể bình dị hay mờ ảo cao siêu, có thể gần cũng có thể rất xa xôi. Nhưng chắc chắn hạnh phúc cũng là thứ cần liệu cơm mà gắp mắm.
 
Mỗi sáng thức dậy, chị đều thấy lòng thảnh thơi, hít thật căng bầu không khí trong lành là thấy mình đã có nguồn năng lượng cho cả một ngày dài. Nhà nằm gần sông đón hướng gió thổi vào mang cả hương phù sa đồng bãi, hương phấn ngô, mật mía, mạ non…
 
Thấu hiểu công việc của một người viết văn, nên phòng làm việc của chị được anh thiết kế rộng rãi thoáng đãng nhất. Tuy nội thất không cầu kỳ sang trọng nhưng đủ để chị thấy mình được nâng niu.
 
Một kệ sách độc đáo, không chỉ để chị lưu giữ tác phẩm của mình và bạn viết mà còn là kho sách hay mà anh đã giúp chị tìm mua ở khắp nơi. Trong phòng lúc nào cũng có hoa tươi và những bản nhạc hay luôn chờ chị đánh thức.
 
Bên ngoài là tiếng chim líu lo trong vắt, cây vú sữa tròn mười năm đơm cành kết nụ giờ đã ra trái ngọt, thứ trái cây chị thích nhất nên anh tự tay trồng. Chợ thì rất gần, đi từ đầu đến cuối chợ là gần gũi được bao nhiêu phận người giữa chốn bán mua.
 
Anh bảo, chỉ riêng một góc chợ nhỏ thôi cũng đủ chất liệu đời sống để chị trải lòng trên trang viết cả đời. Thỉnh thoảng, anh lại đưa chị ra sân ga để bắt đầu cho một chuyến đi thực tế xa xôi.
 
Chị yên lòng vì biết ở nhà luôn có người ngóng đợi. Và dù có vắng người phụ nữ trong nhà vài ba tuần thì bếp cũng sẽ không nguội lạnh, các con vẫn luôn có cơm nóng canh ngọt. Tối vẫn có người hát ru cho đứa nhỏ, kể chuyện cổ tích cho đứa lớn và không quên chăm bẵm, tưới tắm vườn cây nhỏ của chị trên ban công. Anh đã vì chị mà hy sinh, tin tưởng mà chờ đợi. Chị đủ thông minh để biết hạnh phúc ấy không phải người phụ nữ nào cũng may mắn có được…
 
Thực ra, chị không có gì nhiều để vứt bỏ khi rời thành phố. Những thứ chị có khi đó vốn không phải là thứ chị cần, nên chẳng luyến tiếc gì. Chính anh mới là người vì chị mà lặng lẽ lên kế hoạch xây dựng một tương lai yên ấm. Anh chị cùng quê, tuy nhiên khoảng cách giữa hai nhà cũng khá xa. Biết tính chị nặng tình nặng nghĩa nên anh chọn thị xã là trung tâm để sau này tiện qua lại chăm nom bố mẹ hai bên.
 
Trong giấc mơ chị từng kể cho anh, mỗi sáng anh chị dậy sớm, dạo quanh những con đường nhỏ ngắm phố trở mình trong trẻo lúc tinh mơ. Khi anh đi làm thì chị ở nhà chợ búa, rồi chìm đắm trong thế giới ngôn từ bên trang viết, bên những cuốn sách hay. Anh sẽ về cùng chị vào bếp nấu những bữa cơm, chị vo gạo anh nhặt rau, chị thích ăn món xào anh hay ăn món luộc, bữa cơm nào cũng ăm ắp tiếng cười. Tối đến có thể đi dạo hoặc chia lịch ghé chơi nhà bố mẹ hai bên.
 
Rồi sẽ có con, mọi thứ khác đi một chút nhưng chẳng có gì xáo trộn nhiều. Với chị, hạnh phúc nhất là được ở gần người thân. Người xưa vẫn nói đó thôi: “Có con mà gả chồng gần/ Có bát canh cần nó cũng mang cho”. Ấy là chưa kể lúc ốm đau, lúc sinh đẻ có cha mẹ, anh em kề bên cũng đỡ phần vất vả, cũng đỡ thấy tủi thân.

Nguồn: Theo Phụ Nữ Online

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.