Chiêm ngưỡng kiến trúc nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

0
110

Ngôi nhà của ‘người tình’ trong tiểu thuyết cùng tên của Marguerite Duras là điểm du lịch thú vị.

Người ta tò mò về ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê không chỉ bởi nó in sâu trong ký ức nữ văn sĩ Marguerite Duras khi bà viết tiểu thuyết Người tình, mà còn vì sự tinh tế và tráng lệ trong kiến trúc của nó.
 
Du khách trong và ngoài nước, khi đến với những tour du lịch khám phá văn hóa Nam Bộ đều xem nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một điểm đến đắt giá. Họ đến không chỉ để nghe thêm một lần nữa câu chuyện tình đầy màu sắc giữa cô gái Pháp Marguerite Duras và chàng người tình Huỳnh Thủy Lê, mà còn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc của một trong những ngôi nhà tráng lệ nhất vùng đất Nam Bộ xưa.

Điều mà họ sẽ chẳng thể được xem trong bộ phim Người tình (trong những năm thực hiện bộ phim, ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tại Sa Đéc được dùng làm trụ sở công an nên đoàn phim đã chọn nhà cổ Bình Thủy tại Cần Thơ để thay thế).

 
Ngôi nhà tọa lạc tại số 225A đường Nguyễn Huệ, phường 2, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, từng thuộc chủ quyền của ông Huỳnh Cẩm Thuận, cha của ông Huỳnh Thủy Lê. Gia đình ông là một trong những gia đình giàu có nhất vùng đất Nam Bộ thời bấy giờ, nhờ buôn gạo và bất động sản. Trước nhà là khu chợ sầm uất gần như kéo dài trên cả con đường Nguyễn Huệ, và sát bên đường là bờ sông.

Hình ảnh trên bến dưới thuyền chẳng những khẳng định thêm quyền lực và vị thế một thời của gia đình ông Huỳnh Thủy Lê, mà một lần nữa minh chứng cho kinh nghiệm chọn lựa vùng đất sinh sống của người xưa “nhất cận thị, nhị cận giang”.

 
Chiêm ngưỡng kiến trúc nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - 1

 
 
Ngôi nhà được xây dựng năm 1895 với vật liệu chủ đạo là gỗ quý và được trùng tu một lần năm 1917. Sau khi trùng tu, các vách gỗ được thay bằng tường dầy như phong cách kiến trúc đặc trưng của những căn biệt thự Pháp ôm lấy kết cấu các cột gỗ. Nhà mang nét pha trộn hài hòa của ba phong cách kiến trúc Pháp, Việt, Hoa.

Từ ngoài nhìn vào, ta thấy lối kiến trúc La Mã phục hưng thế kỷ 17 với các cổng vòm, hệ thống cột với các hoa văn và phù điêu hoa lá. Bên trong nhà được cất theo kiểu 3 gian truyền thống của người Việt. Riêng lối bài trí của các bao lam sơn son thiếp vàng trong nhà là các chủ đề trong mỹ thuật truyền thống Trung Hoa.

 
Một trong những điểm đặc biệt nhất của ngôi nhà là “khung cửa ngủ trưa”. Khung cửa với các thanh gỗ tròn song song nằm ngang có thể kéo qua lại. Buổi trưa nhà không đóng cửa chính mà kéo khung cửa này lại. Ánh sáng và gió vẫn có thể lùa vào nhà, hàng xóm thấy khung cửa được kéo cũng sẽ không gọi làm phiền.
 
Chiêm ngưỡng kiến trúc nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - 2
 
Gạch men với hoa văn hoa lá kiểu thuộc địa được dùng để lát ngôi nhà đều được nhập từ Pháp. Ở gian giữa nền nhà có vẻ như bị trũng. Đây là chi tiết xây dựng có chủ ý vì theo yếu tố phong thủy thì tiền tài chảy về chỗ trũng. Nhất là với các thương gia người Hoa, từng yếu tố phong thủy đều quan trọng với việc kinh doanh.
 
Một trong những yếu tố Trung Hoa đặc trưng khác là bàn thờ Quan Công ở giữa gian chính. Các gia đình thương gia rất tôn sùng Quan Công và đều lập bàn thờ Quan Công trong nhà, hướng quay ra cửa chính. Lý do người Hoa thích thờ Quan Công vì lúc sinh thời, ông được xem là giỏi về quản lý tài sản, nên được người Hoa thờ như hình tượng thần tài.

Hơn nữa, là người trọng nghĩa khí nên với các thương gia chân chính và lương thiện, họ Huỳnh là hình mẫu phải noi theo, rằng phải đối xử với bạn hàng như anh em kết nghĩa, phải giữ chữ “trung, nghĩa, tín, dũng” như đức tính hàng đầu của một con người nói chung và doanh nhân nói riêng.

 
Chiêm ngưỡng kiến trúc nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - 3
 
Trên bao lam bàn thờ Quan Công, các họa tiết được sơn son thiếp vàng. Các họa tiết được điêu khắc trên bao lam thể hiện sự phồn thịnh của gia chủ. Các họa tiết được sử dụng là Long, Lân, Bức, Phụng. (Bức trong tiếng Hán nghĩa là con dơi).

Sở dĩ gia đình ông Huỳnh Cẩm Thuận không sử dụng hình tượng Long, Lân, Quy, Phụng như thường thấy trong đình chùa, vì với các thương gia, hình ảnh Quy (Rùa) chậm chạp và không có lợi cho việc làm ăn. Vì vậy ông đã thay thế con rùa bằng hình tượng con dơi, bởi trong tiếng Hán, “Bức” cũng đồng âm với “Phúc”.

 
Chiêm ngưỡng kiến trúc nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - 4
 
 
Khách du lịch quốc tế, nhất là khách Pháp khi ngang qua vùng đất này, đều muốn ghé lại để được thưởng thức một bữa ăn hoặc ngủ lại một đêm trong cái không khí văn hóa tráng lệ và diễm tình một thời trong ngôi nhà của Người tình – ngôi nhà mà nàng thiếu nữ mười lăm tuổi rưỡi Maguerite Duras ngày xưa chỉ đứng nhìn từ xa chứ chưa một lần được bước vào.