Chị V. kể, chị và chồng đã có 6 đứa con (3 trai, 3 gái), khi sinh đến đứa thứ 6 thì chồng chị đã đánh và nói rằng nếu sinh nữa sẽ không nuôi. Ở nhà chị thường xuyên bị chồng la mắng, đánh đập nhưng không dám nhờ chính quyền can thiệp vì sợ nên đành cam chịu.
Đến đứa con thứ bảy, vì sợ chồng đánh nên khi chuyển dạ chị đã chạy sang nhà ông bà nội đang để trống để tự sinh, khi đứa bé chào đời chị quấn con trong áo len sau đó đem bỏ ngoài đường.
Trước câu chuyện trên, có thể thấy, đây chính là hệ quả của sự lạc hậu, phong kiến, gia trưởng và áp đặt lên vợ của người chồng.
Chưa có luật phạt chồng vì cấm vợ đẻ
Luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP.HCM) bức xúc: “Chúng ta, đang sống ở thế kỷ 21 cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật như hiện nay thì phương pháp ngừa thai trở nên vô cùng đơn giản. Tại sao, không chịu dùng các biện pháp để ngừa thai để rồi khi vợ mang thai thì lại cấm không cho đẻ?”.
LS Thảo cho rằng, hành vi này của người chồng thật sự đáng lên án. Bên cạnh đó, sự cam chịu, nhu nhược của người vợ trong câu chuyện trên cũng là nguyên nhân dẫn đến sự việc này.
Rất may là cháu bé vẫn an toàn, không bị ảnh hưởng gì đến tính mạng và sức khỏe. Nếu không, hành vi mang con đi bỏ như thế cũng sẽ bị pháp luật trừng trị. Khi đó, dù cho người mẹ có giải thích nguyên nhân như thế nào đi nữa thì với trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng cao cả của người mẹ, chị cũng không thể làm thế vì đó là đạo đức của con người.
“Hơn nữa, chúng ta cũng biết hổ dữ không ăn thịt con, thế thì cha mẹ bỏ con như thế liệu rằng xã hội có chấp nhận không? Tuy nhiên vẫn chưa có luật nào quy định việc chồng cấm vợ đẻ thì bị xử lý như thế nào”, LS Thảo nói.
Không nhận lại con có thể bị phạt tiền tới 15 triệu đồng
Bỏ rơi con không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm cả quyền được sống của một con người nói chung và quyền được chăm sóc bảo vệ của trẻ em nói riêng.
Theo LS Thảo, quy định của luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em và luật hôn nhân gia đình nêu rõ, cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con.
LS Thảo giải thích: “Nếu bỏ rơi con, sau đó không nhận lại con thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của nghị định 144/ 2013/ NĐ-CP. Với mức phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng”.
Tuy nhiên, nếu hành vi bỏ rơi con của người mẹ, dẫn đến đứa bé chết thì hành vi này sẽ bị xử lí trách nhiệm hình sự theo điều 94 BLHS “tội giết con mới đẻ”.
Cụ thể: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó đẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”, LS Thảo nhận định.
Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc bỏ vứt bỏ đứa trẻ đó đẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nguồn: Theo Thanh niên
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.