Chưng cất nước ngọt bằng năng lượng mặt trời

Dùng 2 hình hộp chữ nhật và hình tháp, sử dụng năng lượng mặt trời để chưng cất nước mặn thành nước ngọt, hai sinh viên Đại học Cần Thơ vừa giành giải nhất cuộc thi Holcim Prize 2011.

>>>Đề tài “Thiết bị chưng cất nước ngọt” đạt giải nhất

Đề tài “Thiết kế thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển” của hai sinh viên Nguyễn Ngọc Anh và Phạm Duy Linh, được tôn vinh là ý tưởng sáng tạo về phát triển bền vững. Thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, là hai hình hộp chữ nhật và hình tháp có khả năng chưng cất từ 90 tới 150 lít nước một ngày.

Nguyên lý hoạt động là nước lợ hoặc nước mặn được đưa vào bình mariot ở phía trên cao so với thiết bị. Nước được điều chỉnh chảy vào bình với lưu lượng nhất định, được đun nóng bởi năng lượng mặt trời nhờ bộ phận hấp thu nhiệt. Nước nóng bốc hơi lên, tiếp xúc với không khí đối lưu bên ngoài và lớp nước mỏng chảy tràn sẽ ngưng tụ, chảy xuống máng ớ phía dưới.

Mô hình thiết bị chưng cất nước ngọt hình hộp và hình tháp của Duy Linh và Ngọc Anh.
(Ảnh: Huy Đức)

Theo tính toán và thực nghiệm của hai tác giả sinh viên, cứ một m2 bề mặt tiếp xúc của thiết bị sẽ thu được khoảng 5 lít nước một ngày. Nếu tính toán lắp đặt một m2 thiết bị có giá 400.000 đồng, thì một hộ gia đình dùng khoảng 120 lít nước mỗi ngày sẽ cần đầu tư thiết bị trị giá khoảng 9 triệu đồng. Thời gian sử dụng thiết bị từ 5 đến 10 năm.

Duy Linh chia sẻ: “Một lần em về quê bạn tại Bến Tre chơi, thấy người dân ở đây thiếu nước ngọt phải mua ở ngoài với giá rất đắt nên muốn làm thiết bị này để giúp đỡ mọi người”.

Holcim Prize là cuộc thi hàng năm dành cho sinh viên có những đề án sáng tạo mang tính phát triển bền vững. Vòng chung kết cuộc thi năm nay có 10 đề tài của sinh viên 5 trường đại học tham gia, diễn ra hôm 20/9 tại Cần Thơ.

ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn đã giành 2 giải với đề tài “Đánh thức không gian hẻm”“Lồng ghép mô hình ngoại khóa giáo dục xanh ở bậc tiểu học”.

Nhóm sinh viên trường này đưa ra các phương án như cải tạo đường hẻm, hệ thống chiếu sáng, vẽ tường, tạo mảng xanh để cải tạo những không gian hẻm thêm xanh, sạch, đẹp. Những không gian được cải tạo không tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả mang lại cao. Các hoạt động trong hẻm hầu hết đều được người dân trong hẻm cùng làm với nhau, giúp họ có nhiều cơ hội gắn bó hơn. Đây là mục đích của đề tài “Đánh thức không gian hẻm”.

Giải còn lại được trao cho nhóm sinh viên ĐH Kiến trúc TP HCM với đề tài “Trạm cấp nước sạch cục bộ tự túc năng lượng cho đồng bào khó khăn ở Trà Vinh”. 4 giải khuyến khích chia đều cho 4 trường còn lại.

Cuộc thi này không chỉ khích lệ các ý tưởng sáng tạo của sinh viên mà còn tạo cơ hội ứng dụng ý tưởng vào thực tế. Đội đạt giải nhất ngoài tiền thưởng từ ban tổ chức còn được hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng để triển khai ứng dụng ý tưởng của mình.

 

Theo Vnexpress