Kết quả chụp cộng hưởng não của những người đang yêu cho thấy hoạt động mạnh hơn ở một số vùng não liên quan đến điều tiết cảm xúc và nhận thức xã hội.
Ảnh chụp cộng hưởng từ và so sánh hoạt động của bộ não với ba nhóm: đang yêu (trên, từ trái sang) và chưa bao giờ yêu (dưới, từ trái sang), chưa bao giờ yêu và đã chia tay, đang yêu và đã chia tay. (Ảnh: Frontiers in Human Neuroscience)
Các nhà nghiên cứu từ một số trường đại học tại Trung Quốc và New York, Mỹ, tìm được bằng chứng thực nghiệm đầu tiên về những thay đổi của não khi yêu bằng cách chụp cộng hưởng từ (MRI).
Nhóm chuyên gia thử nghiệm nghiên cứu với 100 sinh viên của Đại Học Tây Nam ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Họ được chia thành ba nhóm dựa vào tình trạng quan hệ, bao gồm nhóm đang yêu, nhóm mới chia tay và nhóm độc thân. Những người tham gia được yêu cầu không nghĩ đến điều gì khi chụp não.
Kết quả chụp cộng hưởng não nhóm đang yêu cho thấy hoạt động mạnh hơn ở một số vùng não liên quan đến khen thưởng, động lực, điều tiết cảm xúc, mạng lưới nhận thức xã hội. Đối với nhóm đang yêu, mức độ hoạt động của một số vùng não có thể liên quan tới thời gian yêu. Đối với nhóm mới chia tay, thời gian họ chia tay càng lâu thì hoạt động tại những vùng não này càng thấp.
Theo các nhà khoa học, kết quả này sẽ làm sáng tỏ cơ chế tình yêu và có thể mở ra hướng dùng phương pháp chụp não như máy đo tình yêu. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Frontiers in Human Neroscience.