Trong môi trường công sở ngoài những câu chuyện ngoài luồng giữa anh trai A phòng truyền thông, chị B phòng nhân sự hay cô thư kí C với sếp ra thì lương luôn là chủ đề nhạy cảm hơn cả. Chẳng thế mà mỗi ngày 15 hay cuối tháng, khi cả công ty cùng rộn lên tiếng “ting ting” báo “lương về” nào có ai nói cho nhau con số cụ thể trong cái tin nhắn ấy đâu, đại loại chỉ là “chẳng được bao nhiêu” hay “vẫn như mọi khi thôi ấy mà”.
Câu chuyện đầu tiên: Bạn muốn được tăng lương!
Ngày 10 tháng X – ngày ấy – ngày lương về!
Con bé xinh xinh mới vào bàn bên cạnh đang chạy đâu đấy thì có tin nhắn. Bạn không phải loại tò mò nhưng màn hình điện thoại nó sáng lên đập vào mắt bạn! Tất nhiên tin nhắn không gì khác là số tiền lương của con bé ấy tháng này. Bạn vừa sững sờ, vừa bàng hoàng lại cực hoang mang lẫn phẫn nộ vì con bé ấy vừa mới vào công ty đã có mức lương cao hơn bạn ! Một cảm giác rất phẫn nộ, bực bội vì cái sự bất công nó hiển hiện ngay cái nơi bạn tưởng rất “fair play” này – Bạn muốn được tăng lương !
Trường hợp 2 : Bạn không muốn bị trừ lương!
8h tối.. ngày này tháng ấy năm nọ…
Bụng bạn réo rắt, bụng con bé bên cạnh cũng thế, chồng bạn thì cứ 5 phút gọi một lần hỏi bao giờ bạn về? Công việc chồng chất và deadline ngập đầu, chỉ cần chậm thêm 1 cái deadline nữa là cái kế hoạch đi nghỉ xa với hai thiên thần nhỏ và anh xã lại xa thêm một tý vì cơn ác mộng “trừ lương”.
Bạn đi làm muộn chỉ 1 phút: Trừ lương
Bạn chậm deadline: Trừ lương
KPI công việc của bạn có vấn đề (theo cách nhìn của sếp): Trừ lương
Nhưng …
Bạn ở công ty đến 8-9-10 giờ đêm: Đó là việc của bạn, có khi còn là vì bạn không thể hoàn thành được công việc nên cần làm thêm, ngắn gọn lại là bạn làm việc không hiệu quả!
Bạn nộp báo cáo trước deadline : Khen ngợi và …chấm hết !
KPI được hoàn thành và có phần nhỉnh hơn mong đợi của sếp : Nội dung vẫn như trên: Khen ngợi và… chấm hết !
Bạn nghĩ gì khi đó? Câu trả lời là : “Tôi muốn được tăng lương !!!”
Câu chuyện tiếp theo : Bạn luôn thắc mắc vì sao mình không được tăng lương?
Nếu mỗi ngày đến công ty, bạn luôn thấy sếp đến muộn hơn mình, dù liên tục nói về hiệu quả công việc và doanh thu không như ý nhưng sếp vẫn là người chịu chơi và chịu chi hết mực cho những bữa tiệc xa xỉ mà chủ đề không phải là tiếp đối tác gì cả, chỉ đơn giản là sếp đi mua vui thôi!
Vậy vì sao sếp không thể chi thêm cho mình số tiền chỉ chưa bằng ½ chai Chivas trên bar của sếp mỗi tháng, số tiền ấy không lớn nhưng hẳn nhiên làm mình thấy có động lực hơn trong công việc rất nhiều!
Bạn đang phẫn nộ và lý luận như vậy phải không? Bạn đang đòi hỏi sự công bằng giữa nhân viên và ông chủ phải không? Vậy thì bạn hãy bỏ việc và đi làm sếp đi!
Lý do : Như một người mua hàng, sếp luôn nghĩ rằng mình bị hớ dù đã có được bạn với “mức giá” rẻ nhất rồi. Sếp luôn yêu cầu công việc ở một mức độ “thần đồng” dù cho bạn chỉ là “người bình thường” với mức lương cũng bình thường như chính bạn. Vì vậy, bạn sẽ rất khó và ít khi có thể tuyệt đối làm hài lòng sếp được. Ngoài ra, nếu bạn là một “thần đồng” như ý sếp thì cũng không lý do gì sếp cần trả cho bạn nhiều hơn. Chẳng ai trả giá cho thứ họ đã có cả, có được một “đồng với con số” 123 thì vì sao sếp lại phải thêm số 4 vào làm gì trừ khi nguy cơ mất đi “thần đồng” là rất cao thì mới có sự cân nhắc từ phía sếp.
Lý do mà bạn không được tăng lương thường là như vậy đấy!
Câu chuyện cuối cùng: Bạn được tăng lương :
Vào một ngày đẹp trời, bạn quyết định sẽ rời khỏi công ty và đi tìm một vị trí mới. Tất nhiên, sếp sẽ níu kéo nếu bạn thực sự được việc và hoàn thành tốt công việc như ý sếp, cách duy nhất và hiệu quả nhất của các sếp luôn là “Tăng lương”.
Vậy là bạn đã đạt được mục đích của mình, bạn nên vui mừng? Không!
Thứ nhất: Trâu buộc lúc nào cũng ghét trâu ăn, cả công ty sẽ nhìn về phía bạn và không ai chúc tụng bạn vì bạn đã được tăng lương đâu, người được tăng lương là bạn, không phải là đồng nghiệp và đây là văn phòng chứ không phải cuộc thi hoa hậu mà các cô dù có trượt vẫn tới nắm tay người chiến thắng chúc mừng.
Thứ hai: Sếp sẽ cho rằng mình vừa bị bạn “dắt mũi” và uy hiếp. Nếu sếp không nghĩ vậy, bạn là người may mắn nhưng trong cái may luôn có cái rủi, chắc chắn với việc tăng lương sếp sẽ yêu cầu từ bạn nhiều hơn khá nhiều so với trước đây. Bạn sẽ tiếp tục về trễ, còn trễ hơn cả trước khi tăng lương, bạn sẽ tiếp tục chậm deadline, vì việc nhiều hơn trước đây nhiều, bạn tiếp tục không đạt KPI….
Thứ ba: Bản thân bạn thực sự yêu thích công việc của mình? Hãy tự trả lời câu hỏi này một cách đơn giản thôi: Có hay không? Yêu thích hay không yêu thích? Đừng dùng các lý do về thu nhập, về khoảng cách hay bất cứ thứ gì để tránh né. Nếu có, chắc chắn bạn sẽ vẫn làm tốt công việc, còn nếu không, dù bạn được trả mức lương trong mơ hay trong tưởng tượng thì cuối cùng bạn sẽ vẫn muốn ra đi. Lương không phải vấn đề chính!
Tóm lại: Lương luôn là một vấn đề khó để đánh giá và diễn tả, với mỗi người mức độ hài lòng khác nhau sẽ luôn làm chúng ta “nhức nhối” về lương theo một cách khác nhau. Nhưng chung quy thì hiếm có ai hoàn toàn hài lòng về mức lương của mình khi làm công việc mình không yêu thích. Vậy nên, nếu bạn đã nghĩ đến một con số xứng đáng hơn với mình, một công việc nhiều cảm hứng hơn, một môi trường nhiều hơn sự gắn kết và thoải mái, hãy dũng cảm, bỏ qua các con số và bước đi!
Có thể bạn chưa biết
Trong 3 năm từ 2012 đến 2014 được xem là những năm thê thảm nhất của những người làm nghề trong lĩnh vực Bất động sản và Ngân hàng. Ngân hàng cắt giảm và sa thải hàng loạt. Các công ty địa ốc và bất động sản chìm trong nợ nần, sát nhập và sa thải nhân viên. Đầu năm 2015, hai ngành này bắt đầu tươi sáng trở lại với nhều tín hiệu tốt lành.
Cũng trong thời gian đó, nhân viên môi giới bất động sản được xem là ngành bị giảm lương choáng nhất. Có nơi giảm đến… 100%
Châu Giang
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.