Ăn hỏi tuy là thủ tục quan trọng chặng đường cưới xin của mỗi người nhưng nếu hai bên gia đình ở quá xa nhau thì liệu nó còn cần thiết hay không nhỉ?
Tình yêu là thứ tình cảm xuất phát từ trái tim và không bị giới hạn bởi khoảng cách, do đó, có rất nhiều cặp đôi yêu nhau mà hai gia đình lại ở rất xa nhau, thậm chí là kẻ Bắc người Nam, xa hơn nữa thì ở tận nước ngoài. Trong những trường hợp như thế, thủ tục ăn hỏi tuy quan trọng nhưng liệu có thực sự cần thiết hay không?
Có nên làm lễ ăn hỏi khi hai gia đình ở quá xa nhau?
-
1
Nên cố gắng làm lễ ăn hỏi dù hai bên gia đình ở xa nhau
Dù mọi thứ có thể được đơn giản hóa nhưng nhà trai vẫn nên cố gắng làm lễ ăn hỏi như một sự tôn trọng đối với cô dâu và gia đình nhà gái, đặc biệt là khi họ hàng thông gia lại là gia đình rất coi trọng truyền thống dân tộc.
Mặt khác, theo lẽ đương nhiên, bất cứ người làm cha, làm mẹ nào khi phải gả con gái mình đến một gia đình xa lạ, họ cũng đều rất thương con và mong muốn con mình có một nghi thức cưới xin đầy đủ, đàng hoàng để đỡ tủi thân và được mở mày mở mặt với hàng xóm, láng giềng.
Hơn nữa, khi hai bên gia đình ở quá xa nhau thì lễ ăn hỏi cũng là dịp ‘hiếm hoi’ để hai bên tiếp xúc, thấu hiểu nhau và cùng thắt chặt tình thông gia. Khi ấy, không chỉ gia đình nhà trai hiểu hơn về nề nếp, gia phong của đàng gái mà gia đình nhà gái cũng sẽ yên tâm hơn khi biết con mình sẽ được gả vào một nhà trai đàng hoàng, tử tế.
Cố gắng tổ chức lễ ăn hỏi dù hai gia đình ở xa nhau vì nó mang ý nghĩa thiêng liêng
Trên tất cả, trong quá trình chuẩn bị cho lễ ăn hỏi, cô dâu và chú rễ cũng sẽ có dịp cùng nhau xử lý một vấn đề chung trước khi bước đến ngày cưới để quyết định gắn bó cả cuộc đời mình. Có thể xảy ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng quan điểm nhưng hai vợ chồng sẽ hiểu nhau hơn và biết cách thông cảm, hòa hợp với nhau.
Và đó chính là những ý nghĩa thiêng liêng của lễ ăn hỏi, là lý do khiến bạn không nên bỏ qua ngày quan trọng này cho dù hai bên gia đình có ở cách xa nhau hàng trăm, hay hàng ngàn cây số đi chăng nữa.
-
2
Không nên làm lễ ăn hỏi trong những trường hợp nào?
Biết là nên cố gắng làm lễ ăn hỏi vì những ý nghĩa đặc biệt của nó nhưng thực tế là có những trường hợp nếu ‘cố quá’ thì sẽ thành ‘quá cố’ đấy nhé. Vì vậy, khi hai gia đình ở quá xa, trước khi quyết định có nên làm lễ ăn hỏi hay không, hai bên nên bàn bạc với nhau trước để xem xét các yếu tố sau:
– Khoảng cách là trở ngại lớn nhất, liệu hai bên họ hàng có đủ sức khỏe cho một chuyến đi dài hay không?
– Khi tổ chức ăn hỏi, chắc chắn sẽ có rất nhiều người xin nghỉ làm, liệu thời gian nghỉ ấy có đủ đáp ứng thời gian đi lại hay không?
Khi ở xa, việc tổ chức ăn hỏi rất mất thời gian, công sức và chi phí đi lại
– Chi phí đi lại cũng sẽ rất lớn, đặc biệt là nếu di chuyển bằng đường hàng không.
– Nỗi lo về an toàn giao thông cũng là một yếu tố lớn mà hai bên gia đình nên xem xét.
Như bạn có thể thấy, khi hai gia đình ở xa nhau, việc tổ chức lễ ăn hỏi sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí và công sức mà đôi khi còn không đảm bảo được an toàn và sức khỏe. Những yếu tố ấy chính là gánh nặng mà hai bạn không nên xem nhẹ, nếu biết cách dung hòa thì sẽ nhận được sự cảm thông từ hai phía. Do đó, bạn hãy nên cân nhắc xem có nên lược bỏ nghi thức lễ ăn hỏi hay không nhé.
Bạn có thể gộp chung lên ăn hỏi với ngày cưới để tiết kiệm thời gian, công sức
Tuy nhiên, nếu không làm lễ, nhà trai cũng nên tôn trọng nhà gái bằng cách có lời ngỏ muốn đến xin cưới, khi đó, nhà gái sẽ khéo léo từ chối để hai bên cùng vừa ý, vui vẻ. Đồng thời, nghi thức ăn hỏi sẽ được gộp chung với hôm tổ chức đám cưới để đơn giản hóa và tiết kiệm tối đa.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết Làm sao để cưới hỏi cùng ngày? để gộp chung nghi thức ăn hỏi trong ngày cưới nhé.