Có những người đang kiếm được hàng triệu đô từ… “chất thải của chó”

Có những người đang kiếm được hàng triệu đô từ...

Vâng, mấy cục chất thải của chó ai cũng sợ đạp phải trên đường đã biến nhiều người thành triệu phú!

Có lẽ không ít người trong chúng ta từng một lần đạp trúng “chất thải của chó” – còn gọi là “mìn” – khi đi ra đường. Nhìn chung, tức thì tức thật, nhưng cũng chẳng làm được gì ngoài việc… rút kinh nghiệm cho lần sau thôi.

Ở những nước phát triển, mọi chuyện không hề đơn giản thế. Khi dắt cục cưng đi dạo, chủ nhân luôn phải mang theo bao đựng chất thải để xử lý bãi chiến trường. Nếu không, đương nhiên họ sẽ bị gõ cửa mời lên phường làm việc với pháp luật.


Khi dắt chó đi dạo, chủ nhân luôn phải mang theo bao đựng chất thải để xử lý bãi chiến trường.

Cũng nhờ vậy mà một số người với óc sáng tạo vô biên đã đưa ra những dịch vụ có 1-0-2 để khai thác tiềm năng từ… chất thải này, và kiếm ra rất nhiều tiền. Đọc bài này, biết đâu bạn lại có một ý tưởng làm giàu cực hay thì sao?

1. Công ty When Doody Calls và dịch vụ dọn phân cún cưng

When Doody Calls được thành lập tại Bắc New Jersey vào năm 2001 bởi Mary Ellen Levy. Về cơ bản, công ty này cung cấp dịch vụ dọn phân cho cún với giá 9 USD/tuần.

Chỉ đơn giản vậy thôi mà sau 10 năm, công ty hiện đã có 450 khách hàng thường xuyên, và đạt lợi nhuận lên tới 4,5 triệu USD (khoảng 102.2 tỷ VNĐ) vào năm 2011.


When Doody Calls được thành lập tại Bắc New Jersey vào năm 2001 bởi Mary Ellen Levy.

Công ty của Levy hiện đang là một phần của Hiệp hội các chuyên gia về chất thải động vật. Tổ chức này có đến 90 công ty thành viên, đang ngày đêm dọn những bãi chiến trường mà vật nuôi trên khắp Bắc Mỹ để lại.

Đây là một công việc không sạch sẽ lắm, nhưng lại mang đến lợi nhuận khổng lồ. Theo dự kiến, công ty đang có tham vọng tiếp tục phát triển, biến chất thải của chó thành năng lượng hoặc sản phẩm y tế.

2. Meg Retinger và dịch vụ truy tìm thủ phạm “đi bậy”

Quay trở lại với câu chuyện “đạp trúng chất thải nặng của chó” đầu bài. Một phần lý do bạn chẳng làm gì được cũng là vì không thể xác định thủ phạm chính xác ở đâu.

Meg Retinger cũng có một trải nghiệm tương tự như thế. Năm 2008, một trong những nhà khoa học của công ty cô đang làm việc than phiền vì lỡ giẫm lên “mìn” trên đường đi làm. Tình cờ thay, thời điểm đó phòng thí nghiệm BioPet ở Knoxville, Tennesse vừa mới bán ra bộ test ADN để xác định giống chó.

Kết hợp lại, Retinger đã có một ý tưởng tuyệt vời.


Bộ test ADN truy tìm giống chó từ… chất thải của chúng.

Năm 2010, công ty PooPrints đã cho ra đời một bộ test ADN truy tìm giống chó từ… chất thải của chúng. Một khi đã phát hiện được thủ phạm “ị bậy” mà không dọn dẹp, chủ nhân của nó chắc chắn sẽ nhận phạt.

Đến nay, PooPrint đã có trụ sở ở tất cả các bang của Mỹ, Canada và vẫn tiếp tục mở rộng. Có gần 3000 tòa nhà, phần lớn ở Bắc Mỹ, đã đăng ký sử dụng dịch vụ này.

Cụ thể, mỗi thành viên trong tòa nhà sẽ phải đăng ký mẫu ADN của vật nuôi trước khi thuê hoặc dọn đến ở. Khi thấy một cục phân “vô chủ” xuất hiện, PooPrints sẽ dựa vào đó để truy tìm thủ phạm, và gửi cho căn nhà ấy một tờ hóa đơn.

Với mỗi mẫu thử sẽ tiêu tốn khoảng 50 USD (khoảng 1,1 triệu VND) cho mẫu ADN ban đầu và 75 USD (khoảng 1,6 triệu VND) cho mỗi mẫu phân, và đương nhiên sẽ được trả bởi chủ nhân của chú chó hư.

Chưa kể, tiền phạt quy định cho chủ nhân của chó đi bậy cũng khá nặng ở Timberwood, Mỹ, khi họ phải trả 50 USD cho lần vi phạm đầu tiên, 100 USD (khoảng 2,2 triệu VND) cho lần thứ hai và 200 USD (khoảng 4,4 triệu VND) cho lần thứ ba. Nếu còn cứng đầu, cả chủ lẫn chó bị yêu cầu chuyển đi nơi khác ở.


Mỗi thành viên trong tòa nhà sẽ phải đăng ký mẫu ADN của vật nuôi trước khi thuê hoặc dọn đến ở.

3. Đem chất thải nặng của chó làm năng lượng, tại sao lại không?

Quên năng lượng Mặt trời đi, phân của chó có thể trở thành một nguồn năng lượng mới hiệu quả hơn!

First West – một công ty xe bus ở Anh – đã đưa vào thử nghiệm một chiếc xe bus 40 chỗ ngồi chạy bằng khí thải sinh học thu được từ chất thải và thức ăn thừa. Cuộc thử nghiệm thành công, và First West đã mở rộng và đầu tư thêm 110 chiếc xe bus 2 tầng chạy bằng… phân.


Lượng thức ăn thừa và rác do một người thải ra trong 1 năm là đủ để xe bus sinh học chạy 60km.

Nguồn năng lượng của “xe bus phân”đến từ nhà máy xử lý chất thải Bristol. Loại xe bus này giờ đã trở nên phổ biến đến nỗi công ty xe bus truyền thống Wessex Bux đã chấp nhận để cho 20 chiếc xe bus chạy bằng năng lượng sinh học được đưa vào sử dụng trước năm 2019.

Theo First West, lượng thức ăn thừa và rác do một người thải ra trong 1 năm là đủ để xe bus sinh học chạy 60km.

Đây là một ý tưởng rất tuyệt vời, khi vừa giải quyết được vấn đề thiếu năng lượng, vừa giảm thiểu được 30% lượng khí carbonic so với sử dụng phương tiện giao thông truyền thống.

 

Theo Trí Thức Trẻ