Có thật là công sở không có bạn thân?

0
100
Có thật là công sở không có bạn thân?

Đã nhiều lần, tôi nghe nhiều hơn một người kêu ca về chuyện công sở chẳng bao giờ có bạn thân, bởi ở đó là nơi để người ta kể công của mình, vạch tội của người, tranh đua hơn thiệt với nhau từng nụ cười, từng lời khen của sếp. Tị nhau từng buổi chấm công và luôn cầu mong trong bụng cho người khác thiệt thòi hơn mình. Tôi nghe, cũng thấy có nhiều chi tiết đúng. Nhưng tôi không nghĩ cuộc sống công sở lại tệ bạc, keo kiệt tình yêu thương đến vậy.

Lực hấp dẫn tự thân

Bạn là ai thì bạn sẽ hấp dẫn chính những người như bạn, hay ít nhất là sẽ hấp dẫn cái phần tính cách giống y như bạn, từ phía con người và vạn vật xung quanh. Bởi vậy, khi bạn biết vui vẻ, hòa đồng và thật tâm với công việc của mình, bạn sẽ luôn được những người vui vẻ, hòa đồng gần gũi. Và ngược lại, nếu bạn luôn cảm thấy căng thẳng, luôn tự kêu ca rằng công sở này không có chỗ cho niềm vui và sự thân tình, thì hãy nghiêm túc xem xét lại cái cách mà bạn đang dành để đối xử với mọi người xung quanh.

Nói đến đây thì đa số những người đang cảm thấy lạc lõng, bực bội nơi công sở đều cãi khăng khăng rằng mình chẳng làm gì sai. Họ luôn tự cho rằng họ đúng. Hoặc có phạm lỗi cũng là do một sự ngớ ngẩn khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát, như là việc đồng nghiệp quá kém, như sếp quá bảo thủ, như chính sách công ty quá vụn vặt, sai lầm… chứ không ai nghĩ là do chính mình đã không biết cách mà cố gắng. Không biết cách mà cố gắng chứ không phải là đã không cố gắng! Cuộc sống của bạn chỉ khác khi bạn khác – nghĩa là nghĩ khác và hành động khác!

Có thật là công sở không có bạn thân?

Tôi chẳng làm gì sai”

Tôi đã từng sung sướng biết bao nhiêu khi được nhận vào dạy học ở một trường tư thục. Tôi tốt nghiệp loại giỏi từ một trường danh tiếng, lại tự thân vận động cho đến tận khi xong cao học, sau đó đi nước ngoài một thời gian ngắn rồi mới đi làm. Tôi được tiếp xúc với lối tư duy rất mới về giáo dục, mới từ quan niệm đến cách thực hiện những nhiệm vụ hàng ngày. Khi vào trường, nhìn các đồng nghiệp của tôi trình độ “lôm nhôm” hơn, tôi không tránh khỏi ý nghĩ coi thường họ. Chưa kể, cách tổ chức, quản lý ở đây khác hoàn toàn với những gì mà tôi từng hy vọng. Thậm chí, tôi bị mọi người coi thường, bị đánh giá như một kẻ ngông cuồng, lập dị, một đứa chỉ biết đến sự thoải mái cho bản thân mình mà gây ra bao nhiêu rắc rối cho người khác. Tôi đã bực bội, đã khó chịu, đã lầm rầm rủa xả cái môi trường công việc ấy. Tôi coi những người làm việc cùng như những kẻ ngu dốt kém cỏi và bảo thủ không chịu nghe cái mới.

Cho đến khi tôi thực sự hiểu ra mình sai ở đâu. Rõ ràng, kiến thức, kinh nghiệm, những hiểu biết của tôi là đúng. Nhưng cái cách mà tôi truyền đạt đến mọi người thì như thể tôi đang sỉ nhục họ. Hơn nữa, tôi mang kiến thức, kinh nghiệm về với hy vọng “dạy dỗ” những người đang “chiến đấu” cùng mình, hy vọng họ phải tôn sùng và nể sợ mình, để mình thăng tiến, để mình ra uy, để mình ngạo nghễ. Cái mục đích tham lam, thực dụng ấy nó như chất độc ngấm vào từng ánh mắt và hành động của tôi. Dù tôi cứ khăng khăng không công nhận, cứ cố đem cái kém cỏi của mọi người ra nhai đi nhai lại, thì vẫn chẳng ai muốn nghe tôi thuyết phục. Không ai để ý đến nội dung mà tôi truyền đạt. Càng cố tình chê trách xung quanh, tôi càng sa lầy nhiều hơn vào sự ngạo mạn của mình.

Cho đến ngày bị tẩy chay và chấm dứt hợp đồng ở đó, tôi đã nhận ra một bài học nhớ đời. Lỗi không phải ở việc tôi đã ham hiểu biết hay đã đi nước ngoài. Càng không phải lỗi từ phía những người đồng nghiệp chưa giỏi bằng tôi. Lỗi nằm ở việc ta có mục đích gì khi khẳng định bản thân mình.

Khác nhau ở sự thành tâm

Tôi nghe thấy trong một cuộc thi dành cho người trẻ, có câu hỏi dành cho các thí sinh thế này: giữa việc trở thành người cá tính, sáng tạo và người được đa số mọi người yêu quý, bạn chọn gì? Tôi bật cười. Chẳng lẽ việc cá tính sáng tạo lại khó được mọi người yêu quý đến mức phải lựa chọn, đánh đổi hay sao?

Câu trả lời nằm ở sự thành tâm. Có ai sẵn sàng ủng hộ một con hổ lớn lên nếu họ biết nó sẽ ăn thịt họ? Có ai mong bạn thành công nếu bạn đe dọa ngay miếng cơm manh áo của họ từ đầu?

Tôi đồng ý là không một ai làm vừa lòng được tất cả mọi người. Nhưng đôi khi chúng ta có tự phụ quá mức mà đổ lỗi cho việc mọi người đang ghen tị với mình?

Dạ Thảo
 

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.