Khiến cho “nhà đầu tư” mạo hiểm và lỗ vốn trước
Tôi – một cô con gái 24 tuổi. Và như đã nói ở trên, con cái là của để dành của cha mẹ, thế nhưng hiện tại tôi lại đang làm bố mẹ mình thiệt hại… nhè nhẹ với những gì họ đầu tư trong suốt hơn 20 năm qua…
Tôi bỏ việc tại một công ty truyền thông với mức lương an toàn đủ sống. Tôi cứ “xểnh” ra một cái là đi du lịch đó đây với bạn bè. Tôi cũng không chịu yêu đương người “tử tế”, “có điều kiện” mà “người lớn” giới thiệu cho. Nhiều lần, Tết tư đến nơi rồi mà tôi chưa có đồng nào đưa mẹ sắm Tết, ngày ngày mới chỉ lo được cho bản thân vài thứ lặt vặt, đủ tiền ngồi vỉa hè uống nước với “đồng bọn” và xe chạy bằng xăng…
Có lần mẹ hỏi tôi rằng: “Sao con cứ đi mãi thế?”, “Con đi để làm gì? Có tha được tiền về không hay lại đem tiền đi?” – Tôi nặng lòng, nắn nót từng từ một: “Con đi để sống mẹ ạ, công việc hiện tại làm con mệt mỏi, và mỗi lần đi như thế con thấy mình dễ chịu lắm, con sẽ kiếm tiền để tự đi, được không mẹ?”. Mẹ im lặng, chẳng nói gì.
Tôi chỉ nghĩ đến cảm nhận của bản thân mà quên đi rằng, mình đang làm cho mẹ mình lo lắng. Nhưng khi nghe tôi trút tâm sự mệt nhọc về cuộc sống, tôi tin, mẹ ngầm đồng ý và điều quan trọng là bà muốn con mình được sống vui vẻ.
Hay như cô bạn của tôi, nó đã đi chệch với quỹ đạo “con ông cháu cha – 3 đời tiếp nối” ở một cơ quan nhà nước và đang sẵn sàng làm cho “cái lo” của bố mẹ nó trỗi dậy khi sắp tới sẽ vào Sài Gòn sống và làm việc, trải nghiệm để trưởng thành, thoát khỏi cái nôi công việc khiến nó chết mòn. Bố mẹ nó chỉ nói một câu: “Mày nghỉ mày sẽ làm gì? Tao không nuôi mày mãi được”… Nó mím môi và giữ nguyên quyết định. Tôi đoán, mắt của bố nó (cũng là đồng nghiệp của nó) sẽ sụp xuống phần nào theo cái chùng vai của ông. Nhưng ông không quyết liệt, cũng giống như mẹ tôi. Cuộc đời này, không ai sống hộ ai cả. Cha mẹ chỉ đưa ra điều kiện, còn phát triển nó, con cái cần phải tự thân.
Tạm thời trả lãi nhỏ
Bố mẹ chúng ta, dù có sinh thành và nuôi nấng, dù có hiểu cái “trái nết” của con cái đến đâu,… thì cũng vẫn là những thế hệ không sinh cùng thời. Họ có những kinh nghiệm và quan điểm riêng về cuộc sống, về con người. Và dù bạn có cố gắng giải thích, thuyết phục đến đâu cho họ hiểu về những dự định tương lai cùng với “cá tính sống” của mình thì tôi nghĩ nó vẫn không khả thi. Hãy dành những quan điểm đó cho cộng sự, xã hội và bạn bè. Mẹ cha là để thương kính…
Tôi đành cân bằng cho “những nhà đầu tư” của mình bằng cách quan tâm đến họ nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Có thể hiện tại tôi chưa thể “hoàn vốn” bằng tiền mặt, nhưng tôi tin ai cũng có thể làm cha mẹ mình an lòng bằng “tình yêu”: Tôi tìm một công việc vẫn kiếm ra thu nhập để tự lo cho bản thân nhưng lại có đủ thời gian để làm những điều mình muốn, tính chất kinh tế được xoa dịu rõ ràng. Tôi nhắn tin mừng sinh nhật bố theo cách “mè nheo” nhất có thể. Đêm đi làm về muộn, tôi toàn nhẹ nhàng trèo lên ôm mẹ ngủ dù có phòng riêng. Và dù có ham vui đến đâu, giờ cơm tối tôi vẫn muốn bò về nhà để được “sắp mâm”…
Ngoài lề một chút, hầu hết chúng ta chỉ sống với những người sinh ra mình ¼ quãng đời, còn về sau lại bộn bề với chồng con và gia đình của “người khác”… Hãy tận dụng những giây phút quý giá bên người thân mà bù đắp thật nhiều khi có cơ hội. Đừng để tuổi trẻ vô tâm lấy đi những giây phút quý giá đó… Là một đứa con, đừng bao giờ quên điều quan trọng này.
Còn cô bạn tôi, nó cũng biết gia đình là số 1. Nó vẫn luôn chuẩn bị cho những bước đi trong tương lai thật tốt để ít ra có ngã cũng phải tự biết đứng dậy, tự xoa thay vì loa đến tai bố mẹ. Nó cũng “dằn mặt” đứa em trai đang học lớp 10 rằng: “Mày phải học thật tốt con đường mày đã lựa chọn, không thì mày chỉ còn một con đường là làm công việc như tao, có muốn không?“. (Cô bạn tôi đã đấu tranh cho năng khiếu học vẽ của đứa em trai thay cho định hướng đi theo truyền thống của gia đình). Lo cho bản thân thật tốt là một cách khiến bố mẹ yên lòng – điều văn hoa thay cho cái câu hay được nghe: “Mày cứ lo cho cái thân mày đi đã”.
Chưa thể trở thành đứa con như cha mẹ mong đợi thì chí ít cũng phải làm một đứa con biết nghĩ. Nghĩ sâu, nghĩ lâu và thực sự là nghĩ.
Tránh phá sản và hứa hẹn doanh thu
Đừng để bố mẹ phiền lòng hay khóc ròng nếu bạn cứ một mực đòi sống theo ý mình nhưng lại lôi cả gia đình mình vào cuộc. Đó là việc của cá nhân bạn cơ mà!? Đừng làm họ phá sản!
Cứ thử tưởng tượng bạn dứt ruột đẻ ra một đứa “chi tử” chuyên “phá gia” với mỗi mùa bóng bánh trôi qua, nó lại dọn đi một cơ số thứ trong nhà. Hay một con “gái già” chuyên ăn bám… Thương thì vẫn thương, nhưng mà buồn… Hoặc cứ sống trong vòng tay mẹ cha, ngoan đạo và nết na nhưng lại thờ ơ đến tâm tư của họ, những khoảnh khắc hạnh phúc trong gia đình cứ thế mà hụt đi khi bạn chỉ biết đến có bạn bè hay người yêu… cóc nhái!
Hãy làm những người đầu tư cho bạn một sinh mệnh trên cõi đời này thật giàu vì những gì họ bỏ ra. Không vật chất thì ít nhất cũng là tinh thần. Nếu đã dám chọn con đường mình đi thì hãy làm cho đến cùng để chứng minh cho bố mẹ bạn thấy sinh bạn ra là một niềm tự hào họ có.
Còn nếu muốn những trái tim trung niên từng trải ấy không bị nhói đau và thêm nhiều vết cứa thì hãy tận tâm chăm sóc bố mẹ mình từng ngày. Bố mẹ chẳng đòi hỏi bạn điều gì ngoài những điều bạn có thể tự lo cho mình, để họ có thể an nhiên rằng: “Một ngày nào đó không còn mình, nó sẽ sống thật tốt và đầy đủ”.
Tôi đã hứa với mẹ trong đêm đầy gió lạnh rằng: “Con sẽ chỉ không-ổn-định 2 năm nữa thôi, cho đến lúc con có con, mẹ nhé!”. Là người yêu thương mình vô điều kiện thì đương nhiên mẹ tôi cũng sẽ ủng hộ vô điều kiện và dõi theo từng ngày tôi sống như bà vẫn làm suốt hơn hai chục năm qua.
Còn cô bạn tôi, đường dài còn phía trước, chẳng ai nói trước được gì, hy vọng với con đường nó đã chọn – nó được sống thực sự là mình và có thể gửi lại cho bố mẹ nó một cuộc sống không theo truyền thống nhưng hạnh phúc nhiều hơn.
Tôi không xui ai bỏ việc để làm theo những điều mình muốn bao giờ. Thậm chí tôi còn khuyên họ nên làm tốt công việc mình đang có để có thu nhập mà “tồn tại” với xã hội này. Nhưng câu trả lời lại nằm trong chính bản thân họ rồi đấy chứ! Có chăng là dám hay không mà thôi. Nếu đã dám đánh cược cuộc đời mình thì tôi chỉ nhắc bạn rằng : “Đừng để bố mẹ mình – những người đầu tư bị lỗ vốn!”
Xù
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.