“Tháng này vị chi hai vợ chồng tiêu hết 7 triệu, mẹ ứng hộ rồi giờ hai đứa lĩnh lương thì trả cho mẹ nhé!”, bà Kim đưa tờ “hóa đơn thu chi” tự liệt kê mấy thứ lằng nhằng đưa cho Mẫn làm Mẫn chẳng hiểu gì, cầm lên đọc một hồi mới tá hỏa vì kiểu toan tính lạ đời của bà mẹ chồng. Nào thì là tiền đám ma của bố đứa bạn chồng Mẫn, được bà ghi chú sang bên cạnh là “vì Minh (chồng Mẫn) chơi với con nhà này nên bố mẹ đi hộ”, tiền rau cỏ hàng ngày giờ trượt giá nên phải thêm tiền, tiền giặt là bên ngoài mấy hôm mất điện, tiền thăm cữ con gái bà hàng xóm…tất cả những khoản không tên và vô lý ấy bà liệt kê không thiếu một cắc và bắt vợ chồng cô chi trả, trong khi đó hàng tháng hai vợ chồng vẫn đóng 5 triệu tiền ăn và điện nước hỗ trợ, không thiếu một đồng.
Trước khi lấy chồng, một lần về ra mắt Mẫn đã có tý choáng váng với bà Kim, mẹ chồng tương lai khi ấy. Chẳng là Mẫn có cái hình xăm cỏ bốn lá xinh xinh ở cổ tay, cái hình nhỏ xíu chẳng có gì là gây hiểu nhầm cả thế nhưng lúc rửa bát, bà Kim vô tình nhìn thấy, thế là bà buông ngay ra một câu khiến Mẫn chết điếng “thanh niên giờ cởi mở thật, ngày xưa chỉ có trai tứ chiếng gái giang hồ mới dám xăm hình”. Nghe câu nói rất ác ý ấy, Mẫn tức lắm! Định bụng giãi bày đôi câu nhưng chẳng biết nói sao cho phải nên Mẫn đành nín nhịn, lát kể cho người yêu nghe thì Minh phẩy tay “ối giời, các cụ thì cụ nào chả bảo thủ thế, em nghĩ làm gì, mình sống cho nhau chứ sống cho các cụ đâu!”. Thấy người yêu bênh mình và hiểu vấn đề thế nên Mẫn cũng cho qua. Nhưng từ hôm ấy cô cũng có cái nhìn hơi e ngại với bà mẹ chồng tương lai.
Thực ra bà Kim chưa lần nào tỏ thái độ không bằng lòng và chì chiết gì Mẫn cả, nhưng bà có một cách oái oăm hơn là cứ đánh mạnh vào kinh tế. Lấy nhau về, Mẫn nghe bạn bè bày cho tuyệt chiêu cất giữ của hồi môn là cứ để yên bên nhà đẻ, đừng có vác cái gì sang không là bị triệt tiêu ngay. Mẫn làm y theo thế, tiền vàng bố mẹ cho cô cất ở bên nhà đẻ, mang mỗi cái xe máy sang nhà chồng để đi làm.
Tưởng vỏ quýt dày có móng tay nhọn, ai ngờ đâu Mẫn méo mặt ngay lập tức khi mẹ chồng tung chiêu. Bà cho hai vợ chồng một phòng trống, chẳng có gì ngoài cái giường cưới (mà cái giường cưới ấy cuối tháng bà cũng liệt kê bắt trả), bà bảo “ngày xưa bố mẹ lấy nhau cũng tay trắng mà nên, giờ hai đứa mày được thế này là hồng phúc rồi, cứ làm đi sau này sẽ được hưởng phúc như bố mẹ đây!”. Chẳng biết phúc đức thế nào chứ vừa về nhà chồng, lại phải sắm sanh hết thứ này thứ kia, Mẫn cũng nản. Tâm sự với chồng thì Minh cũng thuộc loại khái tính, anh bảo “Thôi của biếu là của lo, của cho là của nợ, mình làm nên mới quý em ạ!”. Thấy chồng nói vậy thì Mẫn còn biết nói gì nữa, vậy là tháng lương đầu tiên về nhà chồng cô sắm sửa hết đồ đạc trong phòng, tính ra còn âm cả vào lương.
Cuối tháng, mẹ chồng cô đưa cho một danh sách những thứ chi tiêu và bắt vợ chồng cô phải đóng góp 5 triệu/tháng để phụ giúp kinh tế “giờ các con lớn rồi, không thể sống dựa vào bố mẹ được, phải biết tự bước trên đôi chân của chính mính!”.
Nghe lời nói thì có vẻ giáo dục, thực ra thì “cắt cổ” bằng kinh tế, vừa về làm dâu có hơn tháng mà Mẫn chỉ muốn ra ở riêng cho đỡ bực mình. Thôi thì hai vợ chồng cũng thuộc dạng có thu nhập, nên Mẫn cũng đành bấm bụng chi ra hàng tháng “coi như không ăn nhờ ở đậu gì, sau này đỡ mang tiếng!”. Nghĩ đến vậy rồi mà nào có yên với bà Kim.
Nhà có cô em chồng đang tuổi yêu đương, nhưng tính tình cổ quái, xếp vào hàng khó chiều, tựu chung là ế. Mẫn cũng không hợp tính cô này lắm nên chỉ nói chuyện qua loa, nhưng bà Kim thì cứ lựa lời ràng buộc trách nhiệm bắt Mẫn phải yêu thương cưng chiều cô em chồng “Tý nữa con rảnh thì đi mua cho em mấy cái váy, nhìn nó con gái hơ hớ thế kia mà chẳng biết ăn mặc gì cả!”. Một vài lần Mẫn bị thế rồi nên lần này Mẫn lảng đi “thôi, để cô tự mua, mấy lần con mua trước cô không ưng, thấy cô chẳng mặc bao giờ!” thì bà Kim bảo “ừm, thế tý đưa tiền cho em nó đi mua!” khiến Mẫn ấm ức, cô chẳng hiểu tại sao cô lại phải đưa tiền cho em chồng đi mua váy, trong khi từ khi lấy chồng đến giờ cô còn chưa biếu nhà đẻ được tấm lụa cho mẹ cô may cái áo dài đã thích từ lâu, nghĩ thân mình bị o ép bên này, lại nghĩ mình bất hiếu Mẫn đang ăn cơm mà nuốt nước mắt vào lòng cho đỡ ức chế.
Đã thế, sểnh ra một tý là bà kêu đau kêu ốm rồi yêu cầu thuê giúp việc, thực tế Mẫn biết việc nhà không nhiều, máy móc đều làm hết cả, cô đi làm về cũng nấu cơm rửa bát như ai, bà Kim thì nghỉ hưu rồi, lại thêm nhà có đứa con gái lớn tướng thì làm gì đến nỗi phải thuê giúp việc. Thế mà bà Kim vẫn thuê rồi khấu trừ vào tiền lương của hai vợ chồng.
Cứ tưởng lương cao thì sẽ có đồng ra đồng vào dành dụm, ai ngờ đâu Mẫn gặp ngay phải bà mẹ chồng chỉ biết đến tiền là nhanh, hàng tháng ngoài tiền “thuê nhà” là 5 triệu, tháng rồi lại thêm 7 triệu tiền khóc cười, tiền mua biếu ông bà hộp thuốc bổ, cái áo mới, chuyến du lịch, cô em chồng thi thoảng nên nịnh nọt ông anh mua cái ipad, lọ nước hoa, thế là đi tong hơn hai chục triệu của hai vợ chồng, tiêu như thế thì lấy đâu ra mà dành dụm!
Nhiều khi ngẫm nghĩ mà bực bội trong lòng, Mẫn đem chuyện nói với chồng thì anh gạt đi “Anh còn sức, anh sẽ cố, em đừng cự nự với mẹ làm gì, người già hay trái tính…” thế là cô lại ôm cục tức mà nuốt không trôi.
Nhiều khi nằm vắt tay lên trán nghĩ, giờ hai vợ chồng còn chưa có con cái mà đã thế này, sau này có đứa con trăm thứ phải chi thì không biết bà Kim còn tung chiêu “ moi tiền” của nhà cô thế nào nữa? Nghĩ đến bà mẹ chồng với cái kiểu yêu tiền chẳng giống ai, Mẫn chỉ còn biết thở dài…
Minh Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.