27 triệu đồng cho 3 mũi tiêm
Chạy ngược chạy xuôi cả tháng trời hết bệnh viện này đến trung tâm khác để đặt tiêm vaccine 5 trong 1 dịch vụ cho cậu con trai 3 tháng tuổi nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu, chị N.T.P (Chí Linh, Hải Dương) quyết định đặt trọn gói thuốc và dịch vụ tiêm từ 1 người mà chị được giới thiệu là nhân viên của một trung tâm tiêm chủng. Theo chị P, gói tiêm này bao gồm 3 mũi tiêm 5 trong 1, công tiêm tại nhà với tổng số tiền là 21 triệu đồng, và bắt buộc phải trả đủ tiền ngay khi tiêm mũi đầu tiên. Hỏi về nguồn gốc của thuốc, chị P nói không biết cụ thể nhưng chắc chắc là “thuốc dịch vụ xịn”.
Chọn 1 hướng đi an toàn hơn, vợ chồng anh N.A.T (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bỏ công sức tìm hiểu, kết nối để làm các thủ tục đưa cô con gái đầu lòng sang một bệnh viện ở Singapore để tiêm mũi 1 và mũi 2 vaccine 5 trong 1. Anh T cho biết, thủ tục đăng ký không quá khó khăn nhưng chi phí thì khá nặng. Trung bình tiền khám và tiền vaccine tại bệnh viện anh đăng ký tiêm cho con gái là khoảng 250 đô Singapore (tương đương gần 4 triệu đồng). Nhưng tiền vé máy bay đi lại, ăn ở cho cả 2 vợ chồng và con mất khoảng… 30 triệu đồng cho 2 lần đi tiêm. “Chi phí đắt quá nên vợ chồng mình dự định chỉ tiêm hết mũi 2 cho con, để cơ bản có kháng thể cho con đã rồi tùy điều kiện mới tính tiếp” – anh T chia sẻ.
Câu chuyện lùng mua vaccine như anh T, chị P không phải là hiếm. Trên rất nhiều diễn đàn dành cho các ông bố, bà mẹ hiện nay như webtretho, lamchame, otofun… nhan nhản các thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của các ông bố, bà mẹ đã và đang dự định đưa con sang Singapore, Thái Lan, Myanmar… tiêm vaccine. Các thông tin về bệnh viện, giá cả, sinh hoạt… đều được cung cấp đầy đủ.
Đó là với các gia đình có chút khá giả về kinh tế. Còn phương pháp phổ biến với các bậc phụ huynh mong muốn có vaccine dịch vụ 5 trong 1 cho con hiện nay là “đánh bài lỳ” với bệnh viện và các trung tâm tiêm chủng. Chị N.P.G (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Năm ngoái, gia đình chị phải chấp nhận mua thẻ tiêm chủng của một bệnh viện lớn trị giá 15 triệu đồng với mong muốn được đảm bảo số thuốc tiêm 5 trong 1 cho con, nhưng để tiêm đủ 3 mũi cho con, lúc nào vợ chồng chị cũng trong tư thế “sẵn sàng khẩu chiến” với người quản lý thuốc. “Cứ lúc nào được người quen trong bệnh viện “xì” thông tin có thuốc, vợ chồng mình lại lên tận nơi để nói chuyện với quản lý. Lúc đầu họ nói không có thuốc, sau thì bảo thuốc để dành cho các bé sinh tại bệnh viện… Thú thực, vợ chồng mình phải “to tiếng” mới giành được suất tiêm cho con” – chị G chia sẻ.
Miễn dịch sẽ giảm nếu không tiêm đủ mũi
Theo PGS – TS Trần Đắc Phu, “cơ hội vàng” để tiêm vaccine 5 trong 1 đạt tỷ lệ miễn dịch cao nhất là khi trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Giữa các mũi tiêm tối thiểu là 4 tuần. “Đây là khoảng thời gian trẻ rất dễ mắc các bệnh nói trên, khi mắc thì nguy cơ biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng rất lớn. Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng, đây là “thời gian vàng” để vaccine phát huy miễn dịch cao nhất, lên đến 80-90%. Nếu trẻ không tiêm đủ mũi, khả năng miễn dịch càng giảm, thậm chí về 0” – TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.
TS Phu cũng khuyến cáo, nếu liều vaccine 5 trong 1 nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần phải tiêm sớm ngay, không cần phải tiêm lại từ mũi đầu. Đương nhiên về độ miễn dịch cũng sẽ không cao như tiêm đủ mũi, đủ thời gian. Và nếu trẻ nào đã tiêm vaccine dịch vụ 5 trong 1 nhưng sau đó không có để tiêm thì cũng có thể chuyển sang tiêm vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quinvaxem mà không lo ngại khả năng miễn dịch giảm.
Tư vấn về một hướng mở mới cho việc tiêm vaccine 5 trong 1 ở giai đoạn khan thuốc, PGS-TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, phụ huynh có thể lựa chọn các mũi tiêm 3 trong 1 hoặc mũi lẻ để tiêm cho trẻ. Trên thị trường hiện có vaccine 3 trong 1 (DPT phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) do Việt Nam sản xuất cũng đã được đưa vào sử dụng, đem lại hiệu quả cao. Tiêm 3 mũi ở lúc 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Ngoài ra các vaccine dịch vụ khác đều có mũi lẻ. “Phụ huynh có nhu cầu tiêm cho con nên đến các trung tâm y tế, cơ sở tiêm chủng để được tư vấn đầy đủ. Tuyệt đối không được bỏ tiêm chủng, khiến con gặp nhiều nguy hiểm” – PGS Dương nhấn mạnh.
TS Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trung tâm không nhận đăng ký trước việc tiêm vaccine dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1. Đến lúc nào có vaccine sẽ tiêm cho người đến đăng ký tiêm ngay trong ngày, ưu tiên những trẻ đã tiêm mũi 1, mũi 2. Còn nếu tiêm mới thì theo số đăng ký thứ tự tiêm trong ngày. Cũng theo TS Cảm, theo các nhà sản xuất, nhập khẩu dự báo thì tình hình khan hiếm vaccine dịch vụ này còn kéo dài hết năm 2016.
Nguồn: Theo Dân việt
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.