Phàm đã là con người thì chắc chắn sẽ chẳng có ai hoàn hảo cả, nhưng không vì thế mà chúng ta lại học cách đổ lỗi hay bào chữa cho những tật xấu hay cái sai của chính bản thân mình, rồi lại cứ đi hợp lý hóa “Ta là nạn nhân của sai lầm” một cách đúng điệu.
Thường thì cái “sai lầm” vẫn luôn đồng hành cùng chúng ta rất ư là lặng lẽ, thậm chí là êm đềm nhưng lại chui sâu vào từng ngóc ngách trong hành vi của mỗi người, và đó là lý do mà chúng ta ít ai nhận dạng được ra nó. Nhiều khi, có rất nhiều người mắc sai lầm trong công việc hay cuộc sống dẫn đến “tán gia bại sản” mới giật mình tỉnh ra “Ta đã sai lầm ở đâu? Tại sao đã không nhận diện được cái ngu dại đó?”, nhưng đến khi ý thức được những điều đó thì họ đã trắng tay!
Vậy chúng ta nên làm gì để nhận biết sai lầm?
Chúng ta vẫn thường hay cười khi được khen nhưng lại cay cú khi bị chê, còn người vẫn cười khi bị chê thì chắc hẳn anh ta hay chị ta đã “khôn” ra rồi. Hoặc đã bao giờ bạn đến trễ một cuộc hẹn mà bạn nói: “Xin lỗi ! Vì tôi đã cố ngủ lười nên mới đến trễ ” một cách thành thật hay bạn sẽ nói: “Xin lỗi! Vì quá kẹt xe , hoặc xe tôi bị thủng lốp ”…. Thay vì tìm cách biện minh cho lỗi của mình thì bạn cố đi sớm để chừa cái khoản rủi ro này có phải là đã tốt hơn ?
Bạn thất bại trong công việc làm ăn của mình thì bạn tự nhận mình đã quá nhiều thiếu sót và không chịu tính toán kỹ nên đã ra nông nỗi này hay bạn sẽ nói: “Đối tác lật lọng, nhân viên ngu dốt hoặc do tôi thiếu tiền thôi ” … Hay bất kỳ lý do nào mà bạn thấy hợp lý cho hoàn cảnh và tình huống của mình bạn đều giãi bày nó trở thành lý lẽ của bạn. Mặc dù nhiều khi chính bản thân bạn còn không tin nổi cái lý do của chính mình, nhưng căn bản bạn vẫn cần phải “bao biện” như vậy để giữ thể diện cho mình, nói cách khác là bạn không đủ can đảm để đối diện với hậu quả của việc nói sự thật.
Công việc thất bại đổ lỗi cho xã hội, không làm được bài thì đổ tội bài khó, hôn nhân thất bại đổ lỗi cho đối phương…đủ thứ lý do để bao biện cho sự thất bại của mình, nói một cách dễ hiểu là: “Tôi sai, nhưng đó không hẳn là do tôi!”.
Thực ra thì những lời biện bạch đó chỉ làm chúng ta “ngu” đi mà thôi. Tại sao ư? Nó làm ta rũ bỏ trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác, từ đó bạn chẳng bao giờ chịu nhận ra mình sai để rồi vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Và nếu có thêm đồng minh nữa thì quá tuyệt vời, vì cái “ngu” của người này có khi cũng chính là cái “ngu” giống với người khác!
Rồi đó, bạn đã đủ lý do và đồng minh rồi, vậy cuộc sống của bạn có được cải thiện tốt đẹp lên không? Câu trả lời chắc chắn là không, và cái duy nhất bạn có thể đón nhận là hãy chuẩn bị sai lầm và thất bại tiếp đi!
Nhiều khi chúng ta tự thỏa mãn với những gì mình đang có, hài lòng với hoàn cảnh của mình bây giờ, mặc dù đôi khi bạn không thật sự vui với vị trí của mình hiện tại, bạn có thể dùng lời lẽ để đánh lừa người khác còn bản thân bạn thì không! Biết là phải có thất bại, có nghịch cảnh thì mới tạo ra thành công nhưng đó không phải là lý do để chúng ta biện bạch cho cái sự ngu dốt, bảo thủ của mình.
Vậy nên nếu ai đó còn những tư tưởng kiểu: “Như thế là tốt rồi” hay “có phải tại tôi đâu” thì nên vứt bỏ nó đi .. Đã đến lúc chúng ta nên quẳng hết những lời biện bạch, bào chữa để “xoa dịu” cái thất bại của chính bản thân mình. Dũng cảm nhìn ra cái sai lầm của bản thân để đối diện và chiến đấu với nó. Chỉ có như thế, bạn mới thoát khỏi những lần “tay trắng” cho những lần sau!
Trang Miu
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.