Công sở: Học cách sống với “kẻ thù”!

Bạn căm ghét cái tật nói nhiều của bà cô ế chồng ngồi bên cạnh? Bạn thấy tức mắt trước cảnh cô nàng lẳng lơ, thiếu não cứ thích ẽo ợt với sếp ở văn phòng? Bạn bực mình khi gã leader của bạn chỉ giỏi cướp công nhân viên? Thậm chí bạn ghét cả cái bầu không khí khó chịu trong văn phòng chỉ vì nó là tổng thể của các loại “mùi” người mà bạn ghét tổng hợp lại? Tóm lại là bạn ghét mọi thứ ở đây lắm rồi, chúng khiến bạn không thể tập trung và làm việc cho tử tế được, bạn muốn nhảy việc hoặc đôi khi “vĩ cuồng” hơn bạn muốn mình trở thành sếp để tống cổ hết các loại nhân viên xấu xí kia ra khỏi văn phòng, nhưng bạn lại chẳng phải là sếp? Vậy nên, bạn muốn nghỉ việc vì không thể sống với “kẻ thù”? Hãy nghĩ lại…

Khi mà bạn chưa có một nơi để đi, mà kể cả khi bạn có nơi để đi thì chắc gì môi trường đó đã là thiên đường của bạn? Hay bạn cũng lại rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ” và mọi chuyện lại vẫn y nguyên như trước? Tôi có một anh bạn thân làm việc ở một công ty xây dựng 8 năm rồi, kinh nghiệm cũng khá và năng lực chuyên môn cũng giỏi, mọi chuyện vẫn xuôi chèo mát mái cho đến khi một “con cha cháu ông” về công ty và chễm chệ ngồi lên cái ghế trưởng phòng, tuổi đời mới hơn hai mươi và vừa cầm tấm bằng đại học dạng liên kết, trong khi anh bạn tôi mất 4 năm đại học và 8 năm để khẳng định vị trí lên chức phó phòng. “Cay” lắm chứ!

Sếp trẻ người nên tính tình cũng non dạ, rất hống hách và không coi ai ra gì, anh bạn tôi đã phải kiềm chế cái “Tôi” xuống để cùng làm việc với cậu ta, nhưng rốt cuộc cũng không thể chịu nổi mà phải chuyển việc. Sang công ty mới, cứ tưởng sẽ không gặp phải cảnh éo le giữa những tay sếp non trình độ thừa hống hách, ai ngờ đâu “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, anh bạn tôi gặp ngay phải bà sếp đồng bóng đi lên bằng kiểu “ngoại giao”, trình bày vấn đề mãi mà bà ta cũng không hiểu, thậm chí gạt đi và yêu cầu anh đủ thứ minh họa cho bản kế hoạch, phải nói làm sao để bà sếp thật dễ hiểu và “cảm thụ” được. Thử việc trong vòng hai tháng mà anh bạn tôi bảo cảm thấy như bị “ngu” người đi vì chỉ lo giải thích cho người không hiểu chuyên môn một vấn đề rất đơn giản. Anh tặc lưỡi “biết vậy không chuyển chỗ làm nữa!”.

Vậy đó, nhiều khi bạn ức chế vô cùng công việc và những “nhiêu khê” xung quanh môi trường làm việc khiến bạn muốn từ bỏ nó để hi vọng vào một môi trường như bạn mong ước, nhưng sự thật thì môi trường làm việc nào cũng có ưu, nhược điểm của nó, và việc bạn cần làm chính là tập bỏ ngoài tai những câu chuyện vụn vặt để tập trung duy nhất vào công việc của mình.

Cũng có nhiều người thường hay đổ lỗi cho khách quan mà không chịu tự vấn bản thân xem mình sai ở đâu. Có bao giờ bạn đặt câu hỏi “Tại sao họ vẫn chung sống và làm việc tốt ở môi trường này mà bạn lại không?” và từ đó, bạn sẽ thấy vấn đề thuộc về bạn chứ không phải thuộc về nghịch cảnh. Công ty tôi có gã sếp rất tệ, luôn thích cướp công của nhân viên, khi gã bị sếp tổng phê bình thì gã lại đổ vấy cho nhân viên, lúc nào cũng chỉ biết thui thủi một mình vì ai cũng ghét, nhưng gã vẫn sống tốt, vẫn làm công việc của mình dù ai cũng đặt ra câu hỏi “Tại sao bị đồng nghiệp ghét thế mà vẫn còn làm ở đây?”, có người hơi thân hỏi gã lý do thì gã bảo “chẳng sao cả tôi đến đây để làm việc, không phải để kết thân!”. Tuy lời nói và tư tưởng có phần hơi “kì dị” nhưng tôi thấy phần nào gã nói đúng, vì gã ưu tiên công việc lên hàng đầu, chứng tỏ đó là một nhân viên chuyên nghiệp. Tuy những tật xấu không thể mê nổi của gã thì ai cũng ngán ngẩm nhưng gã vẫn sống ổn nhờ cách tư duy một mình một kiểu của gã đó thôi!

Vậy nên, nếu như bạn đang nghĩ đến việc phải rời bỏ công việc hiện tại chỉ vì những lý do khách quan mà không phải từ sếp hay bạn chán việc, thì bạn nên nghĩ lại. Đôi khi, việc bạn tập làm quen với nghịch cảnh, tập sống chúng với “kẻ thù” sẽ cho bạn nhiều kinh nghiệm sống hơn là việc bạn chỉ làm việc với “cạ cứng” của mình!

Nam Trung

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.