Gần nửa thế kỷ sau khi cha mình đoạt giải Nobel, giáo sư người Mỹ Roger D. Kornberg cũng giành được giải Nobel Hoá học năm nay nhờ nghiên cứu về việc tế bào lấy thông tin từ gene như thế nào để tạo ra protein.
Roger D. Kornberg (phải) và người cha của mình. (Ảnh: AP) |
Công trình của ông tạo ra một bức tranh chi tiết về quá trình này, gọi là quá trình đọc chép, Viện hàn lâm khoa học hoàng gia của Thuỵ Điển cho biết. Những xáo trộn trong quá trình đọc chép này xảy ra trong rất nhiều căn bệnh của con người, bao gồm ung thư, bệnh tim và nhiều loại viêm nhiễm khác. Phát hiện của Kornberg đã giúp đặt nền tảng cho việc phát triển nhiều loại thuốc chống những căn bệnh này.
Phát biểu tại buổi họp báo, Kornberg cũng cho biết: “Sẽ có những biện pháp chữa trị đặc hiệu cho một vài căn bệnh trong thập kỷ tới”.
Quá trình đọc chép giúp gene nhận ra protein nào mà tế bào sản xuất. Trong quá trình này, thông tin từ gene sẽ được sử dụng để tạo ra các phân tử gọi là “sứ giả ARN“. Những phân tử này sẽ chuyển thông tin tới cỗ máy chế tạo protein trong tế bào. Ngược lại, protein cũng hoạt động như kết cấu của tế bào giúp tế bào vận hành một cách có hiệu quả.
“Nhờ sự khéo léo của mình, Kornberg đã có thể đóng băng giữa chừng quá trình xây dựng ARN. Nhờ đó ông có thể ghi lại được toàn bộ quá trình đọc chép đó và tạo nên một cuộc cách mạng thực sự”, hội đồng trao giải phát biểu.
Nhà khoa học 59 tuổi là thành viên của Trường y thuộc Đại học Stanford ở Palo Alto, California. Cha của ông là Arthur Kornberg cũng đã giành giải Nobel Y học vào năm 1959 nhờ công trình về di truyền học.
Roger D. Kornberg là người duy nhất đạt giải về hoá học và là người Mỹ thứ năm đoạt giải Nobel năm nay. Giải Nobel Hoá học năm ngoái thuộc về Yves Chauvin người Pháp cùng Robert H. Grubbs và Richard R. Schrock người Mỹ, nhờ phát hiện ra cách làm giảm chất thải độc hại khi tạo ra các hoá chất mới.
M.T.
Theo AP, Vnexpress