“Cứ làm thật giỏi đi, đồng tiền sẽ chạy theo bạn”

Một cô bạn của tôi than thở về việc số tiền lương được tăng chẳng thấm vào đâu so với công sức cô ấy đã bỏ ra trong hơn 1 năm qua trong đợt xét tăng lương vừa rồi của công ty.

Kể từ lúc sếp đưa ra chính sách tăng lương khích lệ anh em cao hơn so với mọi năm, cả văn phòng của cô ấy đã lao vào một cuộc “vắt kiệt sức lao động”. Bản thân cô ấy cũng làm việc xuyên cả giờ nghỉ, làm việc tới khuya để mong tạo ấn tượng với sếp và nhắm tới chức trưởng phòng đang chuẩn bị bỏ ngỏ. Để rồi khi nhìn thấy con số trên mẩu tin nhắn thông báo của ngân hàng đến ngày lương về mà cảm thấy “hụt hẫng không chịu nổi”.

Tăng lương, giống như một con dao hai lưỡi. Vừa là để khích lệ cho tinh thần làm việc của nhân viên, vừa là cạm bẫy ngọt ngào để các sếp thấy nhân viên làm việc “trâu” hơn trong tình hình nguồn lực bị cạn kiệt do cắt giảm nhân sự, chi phí đầu vào gia tăng… Nhưng làm sao để tránh những hụt hẫng như cô bạn tôi và có niềm vui trong công việc hằng ngày trên nấc thang sự nghiệp?

Nếu nấc thang sự nghiệp không đo bằng lương sẽ đo bằng gì? Tôi nhớ khi đọc CV xin việc của các bạn mới ra trường, ai cũng muốn mình sẽ trở thành nhân vật số 1 trong ngành nghề được chọn. Ít ai viết rằng họ sẽ trở thành giám đốc này nọ kia, hay sẽ điều hành một doanh nghiệp. Chỉ đơn giản sẽ thành nhân vật gây được sự chú ý trong lĩnh vực của mình.

 Nấc thang sự nghiệp không đo bằng lương.

Những tháng năm đi làm dần gọt mất ý chí và niềm hứng khởi của một sinh viên vừa mới ra trường. Vào thời điểm đó, bạn sẵn sàng làm việc không lương để học hỏi kinh nghiệm, để được tham gia vào một môi trường chuyên nghiệp năng động, để tự hào với những thành tích nhỏ nhoi đầu tiên. Lần đầu tiên được nhận làm việc chính thức, lần đầu tiên có chỗ ngồi xịn, lần đầu tiên có khách hàng… Vô vàn cái lần đầu tiên cho tới khi lần đầu tiên được tăng lương. Hứng khởi biết bao nhiêu, háo hức biết bao nhiêu để rồi bạn chìm dần đi giữa vô vàn những lo lắng nhỏ nhặt hàng ngày. Đồng lương dần dần ăn mất mọi niềm vui công việc.

Hãy thử lùi lại một chút và xem từ một bạn sinh viên đầy nhiệt huyết mới ra trường, bạn đang ở đâu? Có phải bạn đang là một cỗ máy 8 giờ sáng tới công sở, 6 giờ về nhà và cuối tháng thì chờ tiếng ting ting từ điện thoại báo lương về. Khi sếp yêu cầu các đề án mới bạn sẽ vội vàng google và điền vào chi chít những bảng câu hỏi. Đã bao lâu rồi bạn không tràn đầy năng lượng và hào hứng chia sẻ về những ý tưởng có vẻ điên rồ trước đông đảo mọi người ở công ty? Và bao lâu rồi bạn không tham gia một khoá học nâng cao nghiệp vụ không phải do công ty tổ chức hay bị bắt phải đi?

Mỗi năm, trung bình lương của bạn sẽ được tự động tăng khoảng 5 – 10%. Như cô bạn tôi nói là “chẳng thấm tháp vào đâu so với tốc độ trượt giá và những gì cô ấy phải đánh đổi”. Cô ấy đã bỏ qua những cuộc vui với bạn bè, những đợt giảm giá cực hấp dẫn cho các bộ đồ yêu thích, những cuối tuần với gia đình để ôm cái máy tính giờ này tới giờ khác. Điện thoại luôn trong tình trạng bất ly thân kể cả đêm hôm. 1 năm lao vào cuộc chạy đua với những con số cô ấy đã không đi đâu chơi hết. Trong khi cô ấy vốn là một người tháng nào cũng phải đặt chân tới một nơi mới, không xa cũng phải gần.

Và kết quả cô ấy nhận được là sự chán nản ghê gớm đến mức chỉ muốn “nhảy” việc.

Nấc thang công việc được đo bằng uy tín do bạn tạo dựng lên, những điểm nhấn khó quên trong từng dự án bạn nắm bắt, những thành tích mà bạn đạt được với sự chia vui của đồng nghiệp và cảm giác hân hoan sung sướng. Nó mạnh hơn rất nhiều so với sự nhích lên chậm chạp của những con số.

Nếu bạn đã từng xem phim bộ phim Ấn Độ “3 Idiots”, chắc bạn sẽ không quên câu nói nổi tiếng của anh chàng lém lỉnh Rancho: “Cứ làm thật giỏi đi, đồng tiền sẽ chạy theo bạn”. Hãy tạo ra những cột mốc sự nghiệp cho chính mình bằng chuyên môn và khả năng chứ đừng chạy theo những con số hay sự hứa hẹn của sếp. Bởi trên cuộc đua đó, bạn không phải là người duy nhất. Nhưng trên con đường của riêng bạn, bạn sẽ nhận được hạnh phúc với từng thành tích nhỏ nhất mà mình đạt được.

Bạn có thể bắt đầu bằng việc ghi nhật ký cho công việc. Từng ngày, từng ngày, xem lại những gì mình làm được và chưa làm được. Giống như bạn đang xây một ngôi nhà, từng viên gạch đặt lên sẽ trở thành ngôi nhà tuyệt đẹp trong tương lai. Còn hơn là số tiền lương vào tài khoản rồi sẽ chạy ra bằng nhiều đường khác và để lại sự hụt hẫng, chán chường. 

Phương Lâm

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.