Khi nói đến vô sinh, người ta thường cho rằng đó là vấn đề của phụ nữ. Trên thực tế, tỷ lệ vô sinh ở phụ nữ và đàn ông là ngang nhau (theo trang Womenshealth.gov). Ở những nước mà tư tưởng trọng nam khinh nữ còn nặng như Việt Nam, việc đàn ông là nguyên nhân khiến hai vợ chồng không thể có con là điều khó chấp nhận. Quá trình điều trị chứng vô sinh và phục hồi tâm lý cho các ông chồng cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu vợ chồng bạn chẳng may rơi vào hoàn cảnh này, bạn nên làm gì để giúp chồng và giúp chính hôn nhân của mình?
1. Hãy kiên nhẫn
Hai vợ chồng bạn có thể đã cố gắng trong ít nhất một năm qua nhưng vẫn không có kết quả. Hẳn là bạn đang cảm thấy muốn sử dụng những biện pháp khác như nhận con nuôi hoặc mang thai hộ để có em bé càng sớm càng tốt. Nhưng nỗi buồn của chồng bạn cần thời gian để có thể nguôi ngoai. Có thể anh chưa sẵn sàng để thử lại ngay khi vừa thất bại. Bạn cần phải kiên nhẫn. Việc liên tục thúc giục sẽ khiến chồng bạn cảm thấy bị áp lực và tệ hơn, muốn từ bỏ luôn cuộc hôn nhân với bạn vì mặc cảm tội lỗi. Bên cạnh đó, nếu bạn muốn nhận con nuôi, tâm lý chưa ổn định sẽ khiến chồng bạn không thể dành đủ tình cảm và sự chăm sóc cho đứa trẻ.
2. Thông cảm cho những phản ứng tiêu cực của chồng
Khi biết mình là nguyên nhân khiến hai vợ chồng chậm có em bé, chồng bạn rất có thể sẽ nổi giận. Đôi khi, người ta “nổi đóa” lên không phải vì họ muốn thế, mà vì sự căng thẳng, tổn thương đã tới hạn và khiến họ không thể chịu đựng thêm. Chồng bạn sẽ nổi giận nhưng không phải vì bạn mà là vì chính mình. Đối với đàn ông, vô sinh đồng nghĩa với một thất bại ê chề. Bạn hãy cố gắng thông cảm với nỗi đau của chồng và bao dung cho những phản ứng tiêu cực của anh. Nếu chồng bạn vốn không phải một người ưa nổi nóng, những hành động bộc phát ấy sẽ biến mất khi tâm trạng anh đã khá hơn.
3. Thể hiện cho chồng thấy bạn đang đồng cảm với anh
Điều tồi tệ nhất một người vợ có thể làm với chồng là buộc anh phải gánh mọi tội lỗi, nói rằng anh là kẻ bất lực và phải tự thấy xấu hổ vì đã không thể giúp vợ mang thai. Bạn cũng thất vọng, buồn phiền và cũng cảm thấy tức giận nhưng điều đó không khiến bạn có quyền xúc phạm chồng mình. Vô sinh không phải là lựa chọn của anh, trách móc anh vốn không giải quyết được gì cả. Nỗi đau trong anh có thể lớn hơn bạn nhiều lần nhưng sĩ diện đàn ông không cho phép anh thể hiện ra. Vì thế, hãy đặt cái tôi của mình sang một bên và thể hiện cho chồng thấy là bạn đang đồng cảm với anh. Không cần bạn phải nói, chính chồng bạn sẽ là người lặp đi lặp lại câu “anh có lỗi với em”.
4. Đừng ép chồng phải chia sẻ nỗi lòng nếu anh không muốn
Không phải ông chồng nào cũng có thể cởi mở và mạnh dạn chia sẻ với người khác về chuyện mình mắc chứng vô sinh. Như đã nói ở trên, áp lực từ gia đình, xã hội cùng với sĩ diện đàn ông sẽ khiến đa số họ chọn cách im lặng. Nhưng không nói ra không khiến nỗi buồn trong lòng họ biến mất. Là vợ, bạn nên chủ động đề nghị chồng chia sẻ những cảm xúc trong lòng với mình vào dịp phù hợp. Tuy nhiên, nhớ đừng ép uổng anh trải lòng cho bằng được một khi anh đã không muốn. Có thể chồng bạn cần nhiều thời gian hơn để thực sự cân bằng và sẵn sàng để mở lòng. Sự dồn thúc của bạn sẽ khiến anh có cảm giác như một con thú bị đẩy vào góc tường. Hãy trở lại điểm khởi đầu của chúng ta – bạn cần phải kiên nhẫn.
Nếu bạn lo việc nén nhịn một mình sẽ khiến chồng càng thêm bế tắc và suy sụp, hãy khuyên anh tìm đến một bác sĩ chuyên khoa. Anh sẽ dễ dàng trò chuyện với một người có chuyên môn và khả năng giải đáp những thắc mắc của anh hơn là với bất cứ ai khác.
5. Hãy nghĩ đến chồng trước mỗi quyết định
Xu hướng tự nhiên của phụ nữ là tìm kiếm người thân, bạn bè để chia sẻ về những khó khăn trong chuyện tìm con. Ngay cả những người vốn kín tiếng cũng khó mà tránh được việc phải tiết lộ sự thật khi bị “tra khảo” lý do chậm có con. Cảm giác phiền nhiễu và tủi thân sẽ khiến bạn muốn nói hết cho người ta biết chỉ để họ dừng những câu hỏi gây đau lòng lại. Nhưng trước khi hé lộ bất cứ thông tin gì về tình hình sinh nở của mình, bạn cần nhớ rằng đây không phải câu chuyện của riêng bạn. Nếu bạn cứ vô tư đi kể khắp nơi trong khi chồng chưa đồng ý, nhiều rắc rối lớn sẽ nảy sinh. Khi mọi người biết chuyện, bạn sẽ nhận được sự cảm thông nhưng điều tương tự chưa chắc đã đến với chồng bạn. Những lời đàm tiếu, xì xầm của thiên hạ có thể làm tổn thương bản lĩnh đàn ông của anh.
Một xu hướng tự nhiên khác của phụ nữ là sẽ liều thử tất cả các phương pháp khả dĩ để có con, bất chấp việc chồng có đồng ý hay không. Tất nhiên, dù vô sinh giáng vào phụ nữ hay đàn ông, người sẽ phải chịu nhiều tác động của các biện pháp y tế hơn vẫn là người vợ. Nhưng đó không phải là lý do để bạn phớt lờ mọi ý kiến và cảm xúc của chồng. Hãy ngồi xuống và bàn bạc với chồng về từng khả năng, từng bước trong tiến trình điều trị. Hãy cho phép anh được lên tiếng hoặc hai bạn sẽ kết thúc không phải với một em bé mà là một lá đơn ly hôn.
6. Hãy bình tĩnh
Có một sự thật mà bạn buộc phải đối mặt, đó là khi biết vợ chồng bạn đang bị hiếm muộn, hầu hết mọi người sẽ cho rằng người gây ra vấn đề chính là bạn. Như trên đã nói, tư tưởng trọng nam khinh nữ và định kiến xã hội khiến phụ nữ luôn bị coi như người có tội trong chuyện sinh con đẻ cái. Người thân, bạn bè, đặc biệt là gia đình chồng sẽ bắt đầu nhìn bạn với con mắt nghi ngại, bất chấp mọi lý lẽ. Bạn cần chuẩn bị tâm lý để đối mặt với nỗi oan ức này một cách bình tĩnh.
Nếu việc giải thích không có hiệu quả, bạn hãy phớt lờ họ. Lời xì xầm của người ngoài vốn không phải điều bạn cần quan tâm vào lúc này. Điều tệ hại nhất bạn có thể làm là hét lên rằng: “tôi không có tội, người có tội là chồng tôi!”. Mọi hành động nóng nảy của bạn đều có thể khiến chồng càng thêm chán nản và nổi cơn tự ái. Hãy “giả câm, giả điếc” và chuyên tâm vào việc chữa trị chứng vô sinh nếu gia đình chồng không có những can thiệp vô lý nhằm chia tách hai vợ chồng bạn, hoặc đối xử tệ bạc với bạn vì không chịu chấp nhận sự thật.
Nguồn: Theo Blog A few piece missing from normalcy
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.