Đàn ông ơi, hãy biết nể vợ!

Đau khổ tột cùng khi biết chồng đang âm mưu đuổi ba mẹ con ra đường tay trắng

“Nể” tôi muốn nói, có ý “tôn trọng”, là tôn trọng nhau giữa những người bình đẳng trong gia đình. Những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, tôi xin phép không dám nói đến.

Tư tưởng phong kiến bao năm đã hạ thấp vị thế của phụ nữ Việt. Ngay cả đến bây giờ, vẫn còn những người rao giảng rằng “đức hy sinh” là đặc trưng của phụ nữ Việt. Tạm không bàn về chuyện đúng sai của việc rao giảng đó, với những người đầu gối tay ấp vẫn hàng ngày hy sinh vì ta, vì gia đình thì việc tôn trọng họ là một điều hoàn toàn chính đáng.

Còn nhớ, trong bữa cơm gia đình thuở nhỏ. Mẹ ta, tức là vợ của cha ta, luôn ngồi đầu nồi. Mẹ xới cơm cho cả nhà, rồi mới đến mình. Mẹ ước lượng phần cơm trong nồi, phần thức ăn trên mâm đặng gia giảm phần mình, sao cho chồng con chắc dạ. Mẹ cũng là người đứng dậy sau cùng, để dọn. Những việc làm đó của mẹ nằm trong vô số những việc không tên khác trong gia đình ta. Sự hy sinh vì chồng vì con vô điều kiện đó của mẹ chẳng phải khiến ta, những đứa con trai ngỗ nghịch luôn dành nhiều hơn tình yêu, tình thương cho mẹ khi so với tình cảm dành cha ta hay sao?

Tôn trọng vợ, tôn trọng những công việc vợ làm cho gia đình, khiến ta vui vẻ 
và hạnh phúc khi được giúp đỡ, quan tâm cô ấy

Nói chuyện trên không phải tôi có ý so vợ với mẹ. Như vậy khiên cưỡng và thật vô lễ. Ý tôi muốn nói ở đây, là trong gia đình nhỏ hiện tại của ta, chẳng phải vợ ta, mẹ của các con ta, cũng đang từng ngày có những việc thầm lặng không tên như vậy sao?

Người phụ nữ của ta, vì người yêu (tức là ta), mà cưới nguyên một ông chồng. “Xuất giá tòng phu”, người phụ nữ của ta ngày đêm cùng ta chung tay xây dựng gia đình. Vì đó mà gánh trên vai một gia đình nhỏ, và cả gia đình lớn bên chồng. Cô ấy vì sinh con cho ta mà ngoài gián đoạn công việc, có thể ảnh hưởng sự nghiệp còn hy sinh cả sức khỏe và nhan sắc. Cô ấy vì gia đình nhỏ của ta, vì gia đình nhà chồng mà gánh thêm bao nhiêu việc bộn bề, lo toan, vun vén.

Những người phụ nữ tuyệt vời như vậy có đáng để ta nể, ta tôn trọng hay không? Có chứ. Rất đáng! Và nó chẳng hề làm ta giảm giá trị, trái lại, nó càng giúp nâng giá trị bản thân ta, như một người đàn ông của gia đình, chu đáo, biết cảm thông.

Tôn trọng vợ, tôn trọng những công việc vợ làm cho gia đình, khiến ta vui vẻ và hạnh phúc khi được giúp đỡ, quan tâm cô ấy. Coi trọng những việc cô ấy làm, để ý đến cảm nghĩ, cảm giác của cô ấy càng giúp tổ ấm ta thêm ấm cúng, giúp lửa tình yêu luôn nồng đượm. Một vài sự quan tâm nho nhỏ, một vài sự giúp đỡ việc nhà, những chia sẻ về công việc, về gia đình nhỏ, gia đình lớn… không những không làm mất nhiều thời gian và công sức của ta, mà còn giúp tình cảm gia đình, vợ chồng ngày thêm gắn kết.

Từ chối một cuộc nhậu, về bên mâm cơm vợ nấu, tôi cũng coi đó là sự tôn trọng công sức của cô ấy, tôn trọng bữa cơm gia đình, tôn trọng những giây phút sum vầy. Những lí do “giao lưu”, “công việc”… thực chất, phần lớn là bao biện.

Tạm gác công việc, đưa gia đình ra ngoài vào buổi tối, vào cuối tuần, cũng là cách ta thể hiện tình yêu, và cả sự tôn trọng sự vất vả của vợ, phải không?

Chẳng việc gì phải ngại ngần hay xấu hổ khi ai đó trong đám bạn gọi mình là “râu quặp” khi ta từ chối tụ tập mà dành thời gian cho gia đình. Bởi cái quan trọng nhất với ta là gì nếu không phải gia đình? Nâng niu, tôn trọng, bảo vệ người phụ nữ của ta, gia đình nhỏ của ta không quá nặng nhọc hay vất vả, nhưng cho ta rất rất nhiều: niềm vui, niềm hạnh phúc, sự bình yên. Tất nhiên, mọi thứ luôn cần sự hài hòa, và nếu ta đã cố gắng mà không được như ý, thì đó là “Duyên Phận, ta phải chiều”.

Tôi tự hào mà nói rằng, tôi nể vợ mình.

Nguồn: Theo Vietnamnet

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.