Dàn UAV chuyên săn tìm cá voi

Dàn UAV chuyên săn tìm cá voi

Các nhà khoa học sẽ sử dụng thiết bị bay không người lái để nghiên cứu cá voi từ xa nhằm hạn chế hoạt động quấy rầy chúng.

Các nhà khoa học nghiên cứu về cá voi trước đây thường phải lấy mẫu ADN và máu từ từng cá thể cá voi theo phương pháp xâm phạm, cũng như gắn chip vào vây để giám sát hoạt động và hành trình của chúng. Hoạt động này có thể gây bất lợi đến tâm lý của đàn cá voi cũng như quấy rầy cuộc sống của chúng.

Để khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học thuộc dự án hợp tác của tổ chức phi lợi nhuận Parley và Intel đang thiết kế các thiết bị bay không người lái (UAV) mang tên SnotBot để thu thập dữ liệu sinh học của cá voi bằng phương pháp ít xâm phạm nhất, Digital Trends ngày 19/6 đưa tin.

Dàn UAV chuyên săn tìm cá voi
SnotBot được điều khiển từ xa, có thể bay ngay phía trên đầu cá voi khi chúng ngoi lên thở.

SnotBot được điều khiển từ xa, có thể bay ngay phía trên đầu cá voi khi chúng ngoi lên thở, nhằm thu thập dịch tiết được phun ra từ lỗ thở của chúng. Dịch tiết này có thể được phân tích ở tàu nghiên cứu, giúp các nhà khoa học biết được ADN và hormone thai kỳ của từng cá thể cá voi.

Ngoài SnotBot, một nhóm các thiết bị bay không người lái khác sẽ được trang bị camera chụp hình cá voi để các nhà khoa học nhận diện những sinh vật khổng lồ của đại dương dù không cần gắn thiết bị theo dõi. “Tôi gọi đây là công nghệ “nhận diện gương mặt””, Alyson Griffin, phó chủ tịch nhóm marketing và truyền thông toàn cầu của Intel, nói.

Nghiên cứu cá voi mang lại lợi ích không chỉ cho loài này mà còn cho con người và môi trường trong một tổng thể thống nhất. Cá voi nằm ở nhóm trên trong chuỗi thức ăn của đại dương, cung cấp cái nhìn về môi trường biển nói chung và có liên quan đến lợi ích của con người.

 

Theo VnExpress