Danh sách 10 thực phẩm biến đổi gien phổ biến nhất (phần 1)


Ảnh minh họa.

Giống như con người, tất cả các sinh vật đều có vật liệu di truyền. Khi các nhà khoa học làm thay đổi vật liệu di truyền, hay DNA – việc này được gọi là biến đổi gien (GM). Thực phẩm hoặc cây lương thực thường được biến đổi gien với mục đích tăng cường hương vị, chất lượng, chất dinh dưỡng hoặc cải thiện sức đề kháng của cây trồng, vật nuôi với sâu bệnh. Trong một số trường hợp, các loại thực phẩm biến đổi gien giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, vì các phiên bản đã biến đổi gien có thể cần ít nước hoặc năng lượng để phát triển hơn so với nguyên bản.

Loại thực phẩm biến đổi gien đầu tiên “xâm nhập” bữa ăn của chúng ta là cà chua Flavr Savr. Giống cà chua này ban đầu được trồng ở California, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt hồi năm 1994, sau 2 năm thử nghiệm và đánh giá. Tuy nhiên, việc canh tác giống cà chua Flavr Savr không mang lại lợi nhuận, do đó đã bị ngừng sản xuất vào năm 1997. Sự ra đời cùa cà chua Flavr Savr mở cửa cho nhiều loại thực phẩm biến đổi gien khác “len lỏi” vào cuộc sống của chúng ta.

Tại Mỹ, công nghệ biến đổi gien đã mở rộng sang lĩnh vực sản xuất lương thực và chăn nuôi. Kỹ thuật biến đổi gien đã tác động đến toàn bộ ngành nông nghiệp. Cụ thể, gia súc, gia cầm thường được nuôi bằng các loại thức ăn chứa thành phần biến đổi gien, các thành phần này theo thịt, trứng, sữa… đến với người tiêu dùng.

Những câu hỏi như thực phẩm biến đổi gien có đáng lo ngại, hay có lợi ích gì… là chủ để rất nóng trong thời gian gần đây. Những câu hỏi đó vẫn chưa có được câu trả lời thấu đáo, nhưng có một điều không thể phủ nhận là thực phẩm biến đổi gien đã làm “đảo lộn” toàn bộ ngành nông nghiệp và kéo theo nhiều thay đổi trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Trong khi chờ đợi câu trả lời cuối cùng về lợi ích và tác hại của thực phẩm biến đổi gien, chúng tôi sẽ liệt kê cho bạn danh sách 10 loại thực phẩm biến đổi gien phổ biến nhất.

1. Cá hồi


Cá hồi biến đổi gien không chỉ trưởng thành nhanh mà còn có kích thước lớn hơn so với cá hồi tự nhiên.

Chỉ có một số ít động vật biến đổi gien đã được cấp phép và một trong số đó là cá hồi. Cá hồi tự nhiên trưởng thành rất chậm, thường phải mất đến 3 năm để đạt đến kích thước đầy đủ. Cá hồi biến đổi gien không chỉ trưởng thành nhanh hơn mà còn có thể đạt đến kích thước gấp đôi so với cá hồi tự nhiên. Công ty “sản sinh” ra giống cá hồi biến đổi gien là AquaBounty. Công ty này cho biết họ sẽ “thu hoạch” cá trước khi chúng đạt kích thước cực đại để tránh những phiên bản cá hồi khổng lồ. Cá hồi biến đổi gien, được gọi là AquAdvantage, có nghĩa là cá nuôi từ trang trại. Theo những người ủng hộ biến đổi gien, sự ra đời của giống cá hồi mới này sẽ giúp giảm thiểu việc đánh bắt cá hồi hoang dã, bảo vệ cả quần thể cá trong tự nhiên và môi trường khỏi sự xâm nhập của con người.

Trớ trêu thay, mối quan tâm lớn trong việc chăn nuôi cá hồi biến đổi gien lại là tác động của nó đối với môi trường. Mặc dù những con cá biến đổi gien được coi là vô trùng, các chuyên gia tin rằng không có cách nào đảm bảo điều đó, bởi vì DNA có xu hướng biến đổi theo thời gian.

2. Các sản phẩm khác từ động vật

Phần lớn thành phần thức ăn gia súc được sản xuất từ các sản phẩm biến đổi gien, ví dụ như ngô, đậu nành… Ba quốc gia sản xuất và xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới là Mỹ, Argentina và Brazil, đậu nành từ các quốc gia này chủ yếu là giống đã biến đổi gien. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ rất khó tránh khỏi việc sử dụng thức ăn gia súc có chứa thành phần biến đổi gien. Mặc dù không phải tất cả các loại ngô hay đậu nành đều là giống biến đổi gien, nhưng thức ăn gia súc từ cây trồng biến đổi gien thường rẻ tiền hơn và sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn. Tương tự, vì giá thành rẻ hơn nên dầu hạt cải dầu biến đổi gien cũng được dùng phổ biến trong sản xuất và chế biến thức ăn gia súc.

Thành phần biến đổi gien trong thức ăn gia súc không đến từ các thành phần chính mà đến từ các thành phần phụ gia giúp thức ăn giàu dinh dưỡng hơn. Thức ăn gia súc thường được tăng cường dinh dưỡng với các vitamin, axít amin, enzyme và thậm chí là cả phẩm màu. Các chất phụ gia chứa thành phần biến đổi gien đi vào cơ thể động vật và đến với chúng ta qua trứng, thịt, sữa… Việc xác định sản phẩm động vật có gien bị biến đổi là không thể, trừ khi kiểm tra được nguồn thức ăn (trên thực tế việc này là vô cùng khó). Ngoài cách mua thịt, sữa, trứng và các sản phẩm động vật hữu cơ, nếu không sẽ không có cách nào để xác định sản phẩm động vật nào đó có chứa gien lai tạp hay không. Không sớm thì muộn, các sản phẩm chứa gien đã bị biến đổi sẽ có mặt trong bữa ăn của gia đình bạn, cho dù bạn có muốn hay không.

Tình trạng biến đổi gien ở động vật là không hề đơn giản và rõ ràng. Năm 2002, người ta đã tiêm gien của bò vào một số lợn cái để tăng sản lượng sữa ở lợn mẹ và cải thiện tiêu hóa sữa cho lợn con, giúp chúng lớn nhanh hơn. Theo quy định, số lợn con nói trên phải được tiêu hủy, nhưng trên thực tế đã được giết thịt và bán ra thị trường. Việc kiểm soát và theo dõi động vật biến đổi gien cụ thể là bất khả và không ai biết được các sản phẩm động vật, từ tươi sống đến đã qua chế biến, có chứa gien đã bị biến đổi hay không.

3. Các loại dầu ăn


Ảnh minh họa.

Hầu hết mọi người không nghĩ rằng các loại dầu ăn là một phần trong danh sách thực phẩm, nhưng sự thật nó là một thành phần không thể thiếu trong việc chế biến thức ăn, đặc biệt là đối với các loại thực phẩm chế biến và thức ăn nhanh.

Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc là những quốc gia sản xuất dầu hạt bông biến đổi gien lớn nhất thế giới. Điều này khiến người tiêu dùng khó có thể tránh được việc tiếp xúc với dầu ăn có chứa gien đã bị biến đổi, kể cả khi không dùng các loại dầu này hàng ngày. Tại Mỹ, hầu hết các loại dầu biến đổi gien được dùng để nấu ăn, chiên các loại thức ăn nhẹ (khoai tây) trong nhà hàng và dùng trong sản xuất bơ thực vật. Cải dầu đã trở thành một cây trồng quan trọng sau khi được biến đổi gien (trước đó, dầu hạt cải có vị đắng và không thể sử dụng được trong chế biến thực phẩm mà chỉ dùng cho mục đích công nghiệp). Kỹ thuật biến đổi gien đã “khử” vị đắng của dầu hạt cải dầu, cũng như tăng sức đề kháng với thuốc diệt cỏ của loại cây này. Nghĩa là, khi canh tác, nông dân có thể phun thuốc diệt cỏ đại trà mà không sợ cây cải dầu của họ sẽ chết.

4. Đậu nành


Đậu nành là một trong những nông sản biến đổi gien phổ biến nhất.

Tính đến năm 2004, 85% sản lượng đậu nành của Mỹ là từ giống biến đổi gien. Vì đậu nành được sử dụng trong sản xuất nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến như ngũ cốc, các sản phẩm nướng, sô-cô-la, thậm chí là kem, nên hầu hết mọi người có thể đã tiếp xúc với đậu nành biến đổi gien (và không ý thức được điều đó). Tuy nhiên, đậu phụ và nước tương thường được chế biến từ đậu nành không biến đổi gien. Phần lớn đậu nành biến đổi gien được dùng để làm thức ăn gia súc, do đó, những người không ăn chay có thể sẽ tiếp xúc với các gien đã bị biến đổi thông qua các sản phẩm từ động vật ăn loại thức ăn có thành phần biến đổi gien.

Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành có vẻ như tự nhiên, nhưng phần lớn đều được sản xuất tự đậu nành biến đổi gien. Chưa nói đến việc đậu nành còn được dùng trong sản xuất rất nhiều loại thực phẩm chúng ta đang dùng hàng ngày.

5. Gạo vàng


Loại gạo biến đổi gien màu vàng và gạo trắng thông thường.

Ban đầu gạo vàng được tạo ra để chống thiếu vitamin A – tình trạng ảnh hưởng đến khoảng 250 triệu người trên thế giới – có thể gây mù lòa, thậm chí tử vong. Gạo là một trong những loại lương thực phổ biến nhất trên trái đất. Trong thực tế, gần một nửa dân số thế giới dùng gạo hàng ngày như lương thực chính. Việc bổ sung vitamin A cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới bằng những cách thông thường là điều gần như không thể thực hiện, do đó các nhà khoa học tin rằng tạo ra giống giạo giàu vitamin A chính là giải pháp cho vấn đề trên. Đó cũng là “lý do ra đời” của gạo vàng. Tên của giống gạo đặc biệt này được đặt dựa trên màu vàng gạo, cũng như màu đặc trưng của các thực phẩm có chứa beta-carotene (tiền tố A).

Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu để tạo ra một giống gạo biến đổi gien khác. Giống gạo mới sẽ chứa các gien bổ sung sắt, biến gạo thành một nguồn bổ sung chất sắt mới. Tình trạng thiếu hụt sắt thường dẫn đến thiếu máu và sinh con nhẹ cân – cả hai tình trạng này đều có thể dẫn đến tử vong. Hiện tại, việc kết hợp gien bổ sung vitamin A và sắt vào cùng một giống gạo là không thể, nhưng các nhà khoa học hy vọng sẽ thực hiện được điều này trong tương lai.

Nguồn: Theo Discovery

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.