Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất thế giới gây ra nhiều hệ lụy cần giải quyết ngay. Trung Quốc thừa nhận về một dự án mà lâu nay nước này vẫn tán dương là kỳ quan thế giới.
Hội đồng nhà nước Trung Quốc thừa nhận nhiều vấn đề môi trường, xã hội và địa lý trong một thông báo đưa ra sau cuộc họp về tương lai của công trình thủy điện do chủ tịch Ôn Giao Bảo làm chủ tọa.
“Đập Tam Hiệp mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng cũng gây ra một số vấn đề cần giải quyết ngay đối với khu vực tái định cư của người dân, bảo vệ hệ sinh thái và ngăn ngừa thảm họa địa chất”, thông báo cho biết.
Một cặp vợ chồng sống cạnh bờ sông phải di cư để phục vụ việc xây dựng đập.
(Nguồn: Physorg)
Theo thông báo, con đập này đã ảnh hưởng đến giao thông đường thủy khu vực dưới đập, tưới tiêu và cung cấp nước. Thông báo nói rằng chính phủ sẽ tăng cường nỗ lực để bảo đảm cuộc sống cho người tái định cư, giải quyết ô nhiễm môi trường và những nguy cơ sinh thái, nhưng không đề cập cụ thể tới chính sách mới nào.
Đập Tam Hiệp trí giá 22,5 tỷ USD được khởi công năm 1993 trên sông Dương Tử. Nó bắt đầu sản xuất điện từ năm 2008. Hiện, chính quyền nước này vẫn coi đây là nguồn năng lượng sạch lớn, và là công trình để thuần phục con sông dài nhất đất nước thường xuyên gây ra lũ lụt.
Nhưng các nhà phê bình lâu nay vẫn lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy môi trường, xã hội và nhiều tổn thất khác. Cụ thể: có tới 1,4 triệu dân đã phải sơ tán để phục vụ việc xây dựng con đập gây tranh cãi này. Ngoài ra, việc xây dựng con đập cũng khiến nhiều di tích văn hóa vì chôn vùi dưới dòng nước.
Các chuyên gia và quan chức Trung Quốc đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra nhiều xáo trộn địa chấn, trong đó có lở đất và tràn bờ khi bể chứa nước của đập ồ ạt tràn xuống nền địa chất của khu vực.
Một công nhân đang dọn dẹp rác ở khu vực bờ sông Dương Tử gần đập Tam Hiệp.
(Nguồn: Physorg).
Các chuyên gia môi trường đã cảnh báo bể chứa nước trở thành nơi hứng chịu rác thải, nước ô nhiễm, phá hoại chất lượng nguồn nước. Tháng 8/2010, chính phủ Trung Quốc cho biết cần nhiều tỷ USD để giải quyết thiệt hại môi trường dọc dòng sông, trong đó có việc xử lý hệ thống nước thải.
Những cơn mưa xối xả gây ra lũ lớn năm 2010 cuốn một lượng rác thải lớn xuống dòng sông, đòi hỏi mất nhiều công sức để dọn dẹp. Báo chí Trung Quốc đưa tin lượng rác thải ở nhiều nơi lớn đến mức có thể đi trên sông, đe dọa làm tắc nghẽn con đập.
Hiện nay, Trung Quốc đang dựa nhiều vào thủy điện trong chính sách năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu điện đang tăng nhanh. Vì thế nước này đã xây dựng hàng chục con đập đang trong quá trình xây dựng hoặc đang được thiết kế.
Theo Đất Việt