Chị kể hồi ấy vì những phút giây bồng bột của tuổi trẻ mà chị đánh mất chính mình chỉ sau vài tháng anh cưa cẩm. Chị mê anh bởi anh có vẻ ngoài lịch lãm và nét lạnh lùng lôi cuốn một cách kì lạ. Qua vài ba lần gặp gỡ cùng với những lời nói ngọt như rót mật vào tai anh đã kéo được chị vào nhà nghỉ. Rồi chị có thai, anh đành bất đắc dĩ cưới chị để hợp pháp hóa cái thai đang lớn dần trong bụng chị. Hồi ấy chị nghĩ đơn giản lắm, chỉ cần có được anh là chị có được hạnh phúc. Nhưng không, chỉ đến đêm tân hôn chị mới vỡ lẽ những ảo tưởng của chị là hoàn toàn sai lầm.
Chị cưới đúng vào những ngày hè đổ lửa của miền Trung. Cái nắng bỏng rát cộng với cái nồm của gió Lào khiến một người phụ nữ đang mang thai như chị đã mệt mỏi lại càng mệt mỏi hơn. Vậy mà, chị lại phải chịu ấm ức vì mẹ chồng kiên quyết không cho rước dâu đi vào cửa chính, bà khăng khăng bảo vệ những hủ tục phong kiến lỗi thời rằng chị đã trót “ăn cơm trước kẻng”, chẳng còn trinh nguyên nữa nên phải đi vào bằng cửa phụ, đi cửa chính nhà chồng sẽ bị xui xẻo. Mọi người đến dự đám cưới đều nhìn chị với ánh mắt dò xét đầy nghi hoặc, có người nhìn chằm chằm vào bụng chị rồi thì thầm thì thụt với nhau điều gì đó bí ẩn đến mức khó chịu.
Đến xế chiều khi tiệc đã tan ai về nhà nấy chỉ còn lại mấy anh chị em ruột thịt của nhà chồng. Chị cứ ngỡ mình là dâu mới lại đang mang trong mình một sinh linh bé bỏng thì được nghỉ ngơi cho hồi sức. Nhưng chị đâu có ngờ rằng chị dâu và em gái chồng đều tranh thủ có người mới nên ỷ lại, cứ viện lí do này nọ rồi bốc hơi mất hút. Thế là một mình chị dọn một đống bát đũa quay cuồng mãi đến tận 8h tối mới xong lại phải tất bật chuẩn bị bữa tối rồi lau dọn nhà cửa, nghiễm nhiên chẳng ai phụ chị lấy một tay.
Đồng hồ đã điểm 11h đêm, chị mệt thở chẳng ra hơi lê lết vào phòng ngủ thì chẳng thấy chồng đâu. Hỏi ra mới biết anh đang đi đánh bida với mấy người bạn, chị chán nản đến mức muốn li hôn ngay lập tức. Nhưng nghĩ đến đứa con còn đỏ hỏn trong bụng chị đành nhẫn nhịn. 2h sáng anh về, người nồng nặc hơi men nhảy bổ vào ôm lấy chị đề nghị một câu không đầu không cuối: “Làm tí đi!”. Chị chẳng nói gì, chỉ quay mặt khóc bởi ngày đầu tiên về nhà chồng mà tuyệt nhiên chị chẳng được hỏi thăm lấy một câu tử tế. Thấy thế anh lên giọng “Chảnh nhỉ!”. “Em mệt!”, chị nói trong nước mắt. “Ai làm gì mà khóc, tôi chịu cưới cho cô sướng muốn chết còn giả bộ khóc nữa chứ, tôi mà không cưới cô thì cũng chẳng có ma nào thèm rước đâu? Đứa con trong bụng cô chắc gì đã phải là của tôi chứ, cô ngủ được với tôi thì cô cũng ngủ được với thằng khác, cô đừng nghĩ tôi không biết gì. Tôi cưới thì cưới vậy chứ sinh con ra tôi vẫn mang đi xét nghiệm ADN cho chắc không lại mất công tò vò nuôi nhện”, anh tiếp lời.
Chị nghe đến đây mà như uất nghẹn, bao nhiêu ấm ức bực dọc trong người đều muốn nổ tung. Thì ra không chỉ gia đình anh mà ngay cả bản thân anh cũng không coi chị ra gì cũng bởi một lí do là chị “ăn cơm trước kẻng”. Từ thái độ khinh khỉnh của mẹ chồng, sự dè bỉu của em chồng đến sự chì chiết của anh đều thôi thúc chị biến khỏi nơi này ngay lập tức.
Chị vẫn nhớ mãi từng li từng tí mọi chuyện xảy ra đêm tân hôn đẫm nước mắt hôm ấy. Anh ngủ còn chị ôm gối ngồi khóc một mình phần vì tủi thân phần vì hối hận chị chỉ mong cho trời sáng để cuốn gói về nhà mẹ đẻ. Rồi chị về thật, chị thà chịu mang tiếng qua một đời chồng chứ không thể nhịn nhục sống tiếp với người chồng và nhà chồng như thế. Cũng may mẹ đẻ chị cưu mang mẹ con chị để chị có cơ hội làm lại cuộc đời mình và bây giờ dù là mẹ đơn thân nhưng chị vẫn ngập tràn hạnh phúc bên đứa con trai ngoan ngoãn, kháu khỉnh của mình.
Nguồn: Theo Trí thức trẻ
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.