Diễn viên công sở

0
121
Diễn viên công sở

Thấy sếp bảo sẽ đưa về cho phòng tôi nhân sự mới. Cũng mừng, vì chúng tôi bận quá, tối mắt tối mũi, nên rất cần một người có thể hợp tác để anh em đỡ mệt. Ngay ngày đầu tiên nghe tin, chúng tôi đã thi nhau đoán già đoán non về “nhân vật mới”. Nhưng không cần sốt ruột, bởi đúng chiều hôm ấy tất cả những người trong phòng tôi đều thấy một em rõ xinh tươi xin add friend facebook, với inbox nói rõ là người mới chuẩn bị về làm việc, nên muốn làm quen. Tôi đã thấy ban đầu là em này hơi dạn dĩ và có vẻ lắm chiêu trò, nhưng khi tôi nói ra thì mọi người xúm vào bênh, làm tôi… rụt lưỡi! Ai cũng khen, em làm như thế là hòa đồng, là chủ động tích cực trong công việc. Rằng phải như thế mới đáp ứng được tốc độ công việc ở cái văn phòng này. Chưa kể em lại còn xinh, ăn mặc sành điệu nữa. Xem facebook của em là thấy cả một “kho tư liệu”. Em đã đi đâu, em đã làm những công việc gì, em gặp gỡ với ai và tiếp xúc ở đâu… facebook của em đều cung cấp thông tin hết rồi. Hào nhoáng, phóng khoáng và chuyên nghiệp!

Em đến, miệng lưỡi rất hoạt ngôn. Nói năng chừng mực nhưng lên bổng xuống trầm. Chúng tôi để em đảm nhận phần thuyết trình cho nội dung công việc, em nhận và làm tốt, vì ăn nói là sở trường của em. Cả công ty lác mắt, trầm trồ. Nhưng riêng tôi, không hiểu sao cứ cảm thấy cô gái này không ổn lắm, có cái gì đó “chiêu trò” trong con người em. Mọi thứ em bày ra đều khiến cho người ta lóa mắt, tin tưởng ngay. Mà thói đời, những ai hay làm người khác tin ngay thì dễ mang bản chất là người xảo quyệt. Nhưng tôi không chia sẻ được với mọi người trong phòng về suy nghĩ ấy, vì ai cũng cho là tôi xét đoán, đa nghi. Với lại, trước đến giờ ai cũng thấy tôi nóng nảy, dễ bực mình nên mọi người ít khi tin vào những lý do khiến tôi khó chịu hay bực bội. Mọi người nghĩ, chẳng qua là tôi hơi “khó ở”, như mọi lần thôi.

Diễn viên công sở

Mỗi ngày đến công ty, việc đầu tiên của em là check – in facebook, với lời giới thiệu như kiểu một nhân viên chuyên nghiệp vậy. Nào là “bắt đầu một ngày căng thẳng nào”, hoặc “tiến lên nào”, nghe như đánh trận. Trong khi phần số liệu khách hàng bản báo cáo nhóm, giao cho em đã ba ngày nay không hoàn thành xong. Trưởng phòng hỏi tôi, số liệu sao rồi, tôi gọi hỏi em định làm đến khi nào, em bảo “được rồi, đúng sáng mai em sẽ đưa cho chị”. Vậy mà 12h đêm tôi còn thấy em check – in trên bar với vẻ mặt sầu bi như bị ai bắt nạt, thêm cái lời kể thê lương: “công việc nặng nề, mãi mới bứt được ra để đi giải trí”. Tôi nhắn tin cho em, hỏi em làm số liệu chưa, thì em bảo “chị đừng giận, em về làm ngay”.

Sáng hôm sau, em đi làm muộn với đôi mắt sưng húp vì “quẩy” hăng quá trong bar. Khi tôi hỏi đến số liệu để kết hợp vào báo cáo, công ty có buổi họp sáng nay, em òa khóc?! Khóc như kiểu tôi dồn em vào chỗ phải bán thân không bằng! Các anh chị khác xúm xít vào hỏi thăm, em bảo em mới đi làm, em căng thẳng quá nên em sợ!? Chưa kể giờ ăn trưa hôm ấy, tôi phải ngồi ăn một mình, đang buồn vì bị sếp mắng cho tơi tả vì cái tội nhóm tôi không hoàn thành đủ thông tin khách hàng, thì em ngồi ở bàn bên cạnh kể kể cho mọi người bao nhiêu tật xấu, “tội ác” của tôi. Nào là tôi giao việc cho em mà vô cùng hách dịch, nào là tôi không hướng dẫn em, nào là… nào là…  Cái đám “bậu sậu” kia, vốn đã gặp không ít nỗi stress trong công việc, chưa kể, tôi là trưởng nhóm, nên cũng không ít khi tôi buộc phải căng thẳng lên với họ. Họ  phục tùng trước mặt và hỉ hả khi được chia tiền nhưng nếu thấy ai đó có hiềm khích với tôi, họ không những không bênh vực tôi mà sẵn sàng hùa theo.

Một tháng đến văn phòng, em đã kịp tặng quà sinh nhật cho con chị A, tặng áo len cho mẹ chị B, mời được chị C anh D đi ăn uống. Ai cũng khen em khéo quá, hòa đồng quá, và “bao sân” cho em hầu hết công việc, để tôi khỏi phải nói, cho họ “đỡ điếc tai” – nguyên văn của một chị trong phòng tôi nói vậy. Kết thúc tháng thử việc đầu tiên, trừ tôi ra, em vẫn nhận được số phiếu của tất cả những người còn lại trong phòng. Em bắt đầu vung vinh trên facebook những lời kể lể về quá trình chinh phục công việc mới, gian khổ và vinh quang thế nào.

Tháng thứ hai rồi tháng thứ ba, tôi thấy giữa em và những người thuộc “phe cánh” của em có gì như rạn nứt. Không ngồi túm tụm ăn trưa như trước đây, không rủ nhau đi “quẩy nóng” ở bar nhiệt tình như trước. Không chào nhau bằng cái nhìn ấm áp thân tình như hồi em mới về phòng. Em bắt đầu lên facebook “đá xéo”, cằn nhằn. Tôi cười thầm, thực ra, tôi đã tìm hiểu kỹ lý lịch của em và được biết, em đi làm chỗ nào cũng không quá nửa năm. Lời nhận xét của các sếp cũ về em cũng không có gì ấn tượng, chỉ gọi là đủ để em có thể ra đi mà không bực bội.

Đỉnh điểm là khi những người còn lại không thể “bao sân” được hết công việc cho em như trước vì em ỷ lại quá rồi, em lười nhác và dựa dẫm quá rồi, lại còn huênh hoang. Cứ hễ được góp ý là em làm lu loa như bị ai cưỡng hiếp. Phòng tôi họp một cuộc họp gấp và mọi người thẳng thắn đề nghị em nghỉ việc, nếu không muốn bị bỏ phiếu chất lượng kém và bị cắt hợp đồng.

Thế đấy, “diễn viên” công sở, không bao giờ bền!

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.