Điều khiển xe lăn bằng… lưỡi

0
109
Điều khiển xe lăn bằng... lưỡi

Các chuyên gia Mỹ đang thử nghiệm một loại khuyên lưỡi cho phép người bị liệt điều khiển được xe lăn đi đến mọi hướng.

Đeo khuyên vào lưỡi là hành vi mà không bao giờ các bậc cha mẹ muốn con mình thực hiện. Tuy nhiên, trường hợp của Martin Mireles, 37 tuổi, lại hoàn toàn khác. Anh Mireles, bị liệt toàn thân sau khi trúng đạn vào cổ cách đây gần 20 năm, là một trong khoảng 200 người tham gia dự án đặc biệt của Đại học Tây Bắc (Mỹ) nhằm nghiên cứu cách di chuyển mới cho các nạn nhân chịu đựng hậu quả nặng nề từ chấn thương cột sống. Các chuyên gia đã gắn một khuyên từ xuyên qua lưỡi của Mireles và ghi nhận cách anh này điều khiển xe lăn bằng cách động đậy lưỡi. Lưỡi di chuyển hướng nào thì xe sẽ lăn theo hướng đó, theo ghi nhận của tờ The New York Times.

Điều khiển xe lăn bằng... lưỡi
Mireles đang tham gia vào một buổi thử nghiệm – Ảnh: NYT.

Bán thân bất toại hoặc liệt toàn thân là tình trạng có thể xảy ra với bất cứ ai không may, từ những vụ chấn thương cột sống đến đột quỵ và liệt não. Chỉ tính riêng tại Mỹ hiện có khoảng 250.000 người lâm vào tình trạng này, và ước tính có thêm 10.000 ca mỗi năm. Sử dụng xe lăn là phương pháp đi lại hiệu quả cho những người bị liệt cơ thể, và họ có thể lựa chọn một số phương pháp điều khiển, chẳng hạn như “hớp và thổi” như cách mà Christopher Reeve (tài tử từng nổi tiếng với vai siêu nhân) áp dụng trước khi qua đời vào năm 2004. Theo đó, ông thổi vào một ống hút để làm xe lăn di chuyển tới lui.

Nhận thấy sự bất tiện của những phương pháp như trên, trợ lý giáo sư Maysam Ghovanloo của Viện Công nghệ Georgia đã nghiên cứu và tìm ra cách khác dễ chịu hơn nhiều. Để điều khiển hệ thống này, người sử dụng đeo bộ tai nghe có trang bị cảm biến nhằm thu nhận tín hiệu từ trường phát ra từ khuyên ở lưỡi. Ví dụ, di chuyển lưỡi lên góc trên bên trái miệng thì xe tiến về phía trước. Các chuyên gia hy vọng trong tương lai, hành động chạm lưỡi vào từng chiếc răng sẽ truyền tải những mệnh lệnh khác nhau, từ bật tivi, trả lời điện thoại đến mở cửa. Ông Ghovanloo quyết định dùng lưỡi để điều khiển vì bộ phận này ít khi bị mỏi, cũng như thường không bị ảnh hưởng bởi các chấn thương ở cột sống. Dự án này đã nhận được gần 1 triệu USD tiền tài trợ từ quỹ khẩn cấp ở Mỹ.

 

Theo Thanh Niên