Điều tra nạn buôn bán hổ tại Việt Nam

Điều tra nạn buôn bán hổ tại Việt Nam

Theo một số nhà khoa học, Việt Nam chỉ còn dưới 30 cá thể hổ hoang dã hiện đang phân bố rải rác ở một số vườn quốc gia và khu bảo tồn, chủ yếu ở khu vực biên giới các tỉnh miền Trung.

Trong 15 năm qua, quần thể hổ ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia có hổ phân bố bị giảm đi đáng kể do nạn săn bắt, mất môi trường sống và suy giảm nguồn thức ăn. Liên minh Bảo tồn Hổ Quốc tế (ITC) – đại diện các tổ chức bảo tồn hổ trên toàn thế giới ước tính chỉ còn khoảng 3.500 cá thể hổ hoang dã trên toàn cầu, phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, quốc gia đã có nhiều nỗ lực thành công trong việc ngăn chặn nạn săn bắt trái phép và bảo vệ môi trường sống cũng như nguồn thức ăn cho loài hổ.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa hoàn thành cuộc điều tra kéo dài 12 tháng nhằm tìm hiểu về mối quan hệ giữa các trang trại nuôi hổ với hoạt động buôn bán hổ trái phép ở Việt Nam. Đồng thời, vén bức màn bí mật về các hoạt động buôn bán hổ trái phép ở Việt Nam.

Trong quá trình điều tra, ENV đã phối hợp chặt chẽ với cảnh sát môi trường, cơ quan công an và kiểm lâm các tỉnh, thành phố cũng như một số cán bộ điều tra độc lập. Bản báo cáo tóm tắt này nhấn mạnh những kết quả cơ bản đã đạt được trong quá trình điều tra. Trong thời gian tới, ENV sẽ cung cấp báo cáo chi tiết về các kết quả điều tra cho các cán bộ và cơ quan chức năng có liên quan.

Buôn bán hổ ở Việt Nam

So với hoạt động buôn bán các loài động vật hoang dã khác ở Việt Nam, hoạt động buôn bán hổ có tính chất hoàn toàn khác biệt do số lượng ít và giá trị cao của loài động vật này. Các đối tượng vi phạm dùng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để che giấu hành vi bất hợp pháp của mình. Các đối tượng buôn bán hổ trái phép ở Việt Nam hoạt động rất chuyên nghiệp, có tổ chức.

Điều tra nạn buôn bán hổ tại Việt Nam

Nhằm tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện, những đối tượng này thường sử dụng số điện thoại trả trước, thiết lập các mối liên lạc qua biên giới quốc gia hoặc lợi dụng các mối quan hệ để đảm bảo hàng được buôn bán, vận chuyển trót lọt tới đối tượng tiêu thụ.

Từ năm 2005 tới nay, Phòng Bảo vệ Động vật hoang dã của ENV đã lưu trữ được 104 vụ vị phạm về hổ, trong đó có 16 vụ bắt giữ, tịch thu hổ đông lạnh, bộ phận cơ thể hoặc xương hổ và một vụ buôn bán hổ sống.

Theo số liệu ENV lưu trữ từ năm 2005 đến nay, cơ quan chức năng đã tịch thu được 29 con hổ (hoặc các bộ phận của một con hổ, không bao gồm các tiêu bản để trang trí như đầu, móng vuốt, răng và da) từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép. Ngoài ra, Phòng Bảo vệ Động vật hoang dã của ENV cũng lưu trữ hồ sơ của 12 trường hợp gây nuôi hổ ở các vườn thú tư nhân hoặc trang trại.

Trong 10 vụ bắt giữ hổ buôn bán vận chuyển trái phép ở Việt Nam, tang vật thu giữ được đều là hổ đông lạnh. Quan sát bàn chân hổ và cách thức hổ được làm đông lạnh cho thấy rất có thể chúng có nguồn gốc từ các trang trại hoặc những cơ sở nuôi nhốt kinh doanh tương tự, không phải từ tự nhiên.


Tình hình tiêu thụ các sản phẩm từ hổ ở Việt Nam

Những người buôn bán hổ trái phép chủ yếu cung cấp hổ đông lạnh và xương hổ cho các đối tượng môi giới để làm cao hổ. Các đối tượng buôn bán tìm kiếm khách hàng trước, sau đó cho họ chứng kiến quá trình chế biến để thuyết phục khách mua hàng thật, đảm bảo chất lượng. Giá của cao hổ pha với xương của những loài ĐVHD khác dao động từ 7-17 triệu đồng/lạng (giá năm 2009) tuỳ theo chất lượng cao. Người mua thường ngâm cao hổ với rượu để uống với mục đích cải thiện sức khỏe hoặc chữa bệnh.

Điều tra nạn buôn bán hổ tại Việt Nam
Ước tính, Việt Nam chỉ còn dưới 30 cá thể hổ hoang dã hiện đang phân bố rải rác ở một số vườn quốc gia và khu bảo tồn, chủ yếu ở khu vực biên giới các tỉnh miền Trung (Ảnh: ENV).

Các vụ vi phạm liên quan đến người tiêu thụ bao gồm từ việc mua bán cao hổ làm thuốc đông y, rượu ngâm hổ con hoặc các bộ phận của hổ, tới móng vuốt, da, răng làm đồ trang sức, trang trí và tiêu bản hổ để trưng bày. Người Việt Nam cũng mua các sản phẩm như móng vuốt, răng và da hổ để làm đồ lưu niệm. Tuy nhiên hổ chủ yếu được sử dụng để nấu cao. họ rất ít khi mua các sản phẩm bán sẵn tại các cửa hiệu.

Kết quả điều tra cho thấy một số hiệu thuốc đông y có thể cung cấp cao hổ, nhưng không phải là nguồn cung cấp chính cho các khách hàng có nhu cầu. Các khách hàng mua cao hổ thường thông qua các mối quan hệ cá nhân với đối tượng môi giới, chứng kiến quá trình chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Theo lời của một đối tượng chuyên nấu cao hổ, “Hiện nay, mua hổ đông lạnh ở Việt Nam rất dễ”. Chỉ cần một vài cuộc điện thoại và một số địa chỉ tham khảo, với khoảng 350 triệu đồng tiền mặt, hoặc một chuyến đi thị trấn Tây Sơn gần cửa khẩu biên giới Cầu Treo giữa Lào và Việt Nam sẽ mua được một con hổ trên 100 kg.

Nguồn gốc và lộ trình buôn bán vận chuyển hổ

Theo thông tin của một số đầu mối về buôn bán trái phép, phần lớn hổ bị tịch thu từ những vụ buôn bán, vận chuyển có nguồn gốc từ các trang trại gây nuôi hổ lớn ở Lào. Campuchia cũng được biết là một nguồn cung cấp hổ vào Việt Nam. Tuy nhiên cho tới nay chưa có cá thể hổ bị tịch thu trong các vụ buôn bán, vận chuyển xác nhận có nguồn gốc từ Campuchia.

Điều tra nạn buôn bán hổ tại Việt Nam
Lộ trình buôn bán vận chuyển hổ giữa Việt Nam và các nước, trong đó cửa khẩu Cầu Treo ở Hà Tĩnh được xác định là một trong những cửa khẩu chính buôn lậu hổ vào Việt Nam.

Dựa trên thông tin một số vụ bắt giữ hổ đông lạnh ở Thái Lan trên đường vận chuyển vào Việt Nam trong vài năm gần đây và theo thông tin phỏng vấn một số đối tượng trong cuộc điều tra, có thể khẳng định hổ được đưa vào thị trường Việt Nam còn có thể có nguồn gốc từ Thái Lan, My-a-ma và cả Ma-lay-xi-a.

Một bài báo gần đây đăng trên báo của Ma-lay-xi-a đã đề cập đến vụ việc thợ săn người Việt Nam và một số nước khác đến Malaysia đánh bẫy hổ và các loài ĐVHD khác.

Những đối tượng buôn bán, nấu cao hổ và những người báo tin đều cho biết cửa khẩu Cầu Treo ở Hà Tĩnh là một trong những cửa khẩu chính buôn lậu hổ vào Việt Nam. Hổ có nguồn gốc từ Lào và các nước khác thường bị làm đông lạnh và cắt thành hai hoặc nhiều mảnh rồi buôn lậu vào nước ta thông qua các đối tượng đầu nậu lớn tập trung ở tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Thanh Hoá và Hà Nội. Những đối tượng buôn bán thường bán hổ cho những người môi giới tổ chức hoạt động nấu cao hổ và bán cao hổ cho người tiêu thụ.

Trong 16 vụ buôn bán, vận chuyển bị bắt giữ bao gồm 29 con hổ trong đó không có con hổ nào xác nhận có nguồn gốc hoang dã ở Việt Nam. Điều này cũng có thể phản ánh mức độ suy giảm nghiêm trọng quẩn thể hổ trong tự nhiên của Việt Nam. Các cá thể hổ phát hiện trong các vụ buôn bán có nguồn gốc từ các trang trại và từ nước ngoài.

 

Theo Báo Đất Việt