Bão số 9 (Ketsana) đã gây thiệt hại nặng nề về người và của trên diện rộng ở miền Trung. Đây là cơn bão mạnh nhưng có đường đi không phức tạp: từ Philippines hướng thẳng vào miền Trung VN. Nó được theo dõi và dự báo thường xuyên bởi các trung tâm khí tượng Anh, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, VN…
Nhưng sau khi bão đi qua, trước hậu quả nặng nề ở địa phương mình, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã bức xúc cho rằng Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF) đã dự báo sai: bão vào Quảng Ngãi mà dự báo vào Quảng Trị!
Dự báo sai – đó là một cái án khá nặng đối với những người báo bão. Nhưng, khác với thảm họa bão Chanchu tháng 5-2006, dư luận và nhiều cơ quan truyền thông đại chúng đã không đưa ra “lời kết tội” đối với NCHMF. Bởi vì, dữ liệu lưu trữ về bão Ketsana của Tuổi Trẻ cho thấy dự báo của NCHMF không cách biệt mấy so với dự báo của các trung tâm cảnh báo bão hiện đại của Mỹ, Anh, Nhật và khu vực.
Chẳng hạn, hơn 12 giờ trước khi tâm bão đi vào Quảng Ngãi, trung tâm hỗn hợp cảnh báo bão của Mỹ (JTWC, một cơ quan dự báo bão khá uy tín) đã xác định hướng đến của Ketsana là Quảng Trị. Nhiều trung tâm khác ở khu vực cũng dự báo như vậy. Ngay trong đêm đó, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ ở Huế và Quảng Trị đã được cảnh báo từ tòa soạn: sẵn sàng chuyển sang tình trạng khẩn cấp! Nhưng, chỉ vài giờ sau chính JTWC và các trung tâm nói trên đã đột ngột chuyển hướng dự báo xuống khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Lúc đó Ketsana đã vào gần bờ rồi.
Chính sai số trong dự báo (dù trong trường hợp này là không quá lớn) cộng với sự chủ quan của nhiều cơ quan và địa phương ở Quảng Ngãi đã khiến lãnh đạo tỉnh này “nổi cáu”.
Nhưng sai số của Ketsana chẳng là gì so với nội dung dự báo hết sức kỳ quặc và loạn xạ đối với Parma – cơn bão hiện đang tiến vào biển Đông:
– Chiều thứ sáu 2-10, các trung tâm JTWC (Mỹ), TSR (Anh) dự báo bão Parma sẽ hướng vào biển Đông, còn các trung tâm NMC (Trung Quốc), CWB (Đài Loan), HKO (Hong Kong) dự báo chiều ngược lại. JMA (Nhật), KMA (Hàn Quốc) lại thận trọng đứng cửa giữa! VN không dự báo gì.
Ngày 2-10, các trung tâm dự báo đường đi bão Parma theo hai hướng ngược nhau
– Chiều thứ bảy 3-10, tất cả trung tâm nói trên đều “nhất trí” dự báo bão Parma không đi vào biển Đông, mà hướng về phía tây. VN bắt đầu đưa tin nhưng rất “thận trọng”.
Ngày 3-10 dự báo: bão Parma không vào biển Đông
– Thế rồi sáng 4-10, tất cả các trung tâm nói trên lại đột ngột cùng nhau quay ngoắt 180 độ: Parma sẽ hướng vào biển Đông!
Ngày 4-10 dự báo: bão Parma hướng vào biển Đông
Chẳng biết hôm nay cơn bão này sẽ đi đâu về đâu, vì các nhà báo bão nhiều nước vẫn đang hụt hơi “cầm đèn chạy trước Parma”. Điều đó cho thấy đã dự báo là có sai số, từ sai số ít như Ketsana đến sai số một trời một vực như Parma. Và không một chuyên gia hay trung tâm khí tượng nào, dù hiện đại đến mấy, có thể dự báo bão tố chính xác một cách tuyệt đối. Do vậy, việc cảnh báo và phòng chống từ xa luôn được đặt ra như yêu cầu số 1 nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho cộng đồng.
Theo Bùi Thanh – Tuổi trẻ online