Người dân Chile sẽ cảm nhận được dư chấn của trận động đất dữ đội vừa qua trong nhiều tháng, thậm chí vài năm.
Một người dân Chile dọn dẹp ngôi nhà đổ do động đất tại thành phố Talca. Ảnh: AP.
Chile hứng chịu hơn 200 dư chấn kể từ khi trận động đất 8,8 độ Richter xảy ra vào ngày 27/2. Nó giết chết gần 800 người, làm đổ nhiều tòa nhà, cầu và đường. Động đất còn gây ra sóng thần khiến nhiều người bị cuốn ra biển. Nhiều dư chấn có cường độ tới 6 độ Richter – đủ mạnh để làm sập các tòa nhà vốn đã bị hư hại. Chỉ riêng hôm qua người dân Chile chứng kiến ba dư chấn.
“Động đất càng lớn thì dư chấn càng mạnh và thời gian dư chấn xuất hiện càng dài. Số lượng dư chấn sẽ giảm dần, nhưng con người sẽ vẫn cảm nhận được chúng trong vài tháng, thậm chí vài năm”, John Bellini, một nhà địa vật lý của Cục Địa chất Mỹ, phát biểu với AFP.
“Những dư chấn tại Chile không nhiều như dự đoán của giới khoa học, nhưng do cường độ quá lớn của trận động đất ngày 27/2 nên chúng mạnh hơn nhiều so với các dư chấn thông thường”, Bill Herbert, giáo sư địa vật lý của Đại học Pittsburgh, Mỹ, nhận xét.
Tại Haiti – nơi trận động đất 7 độ Richter biến phần lớn thủ đô Port-au-Prince thành những đống đổ nát hồi tháng 1 và giết chết hơn 200.000 người – các chuyên gia tính toán rằng chỉ có vài chục dư chấn. Con số này thấp hơn nhiều so với vài trăm dư chấn ở Chile.
“Một lý do là động đất tại Chile giải phóng năng lượng gấp khoảng 500 lần so với cơn địa chấn tại Haiti. Đó là lượng năng lượng cực lớn và trái đất đang quay trở về trạng thái bình thường sau động đất. Trong quá trình đó các mảng kiến tạo vẫn dịch chuyển, gây nên dư chấn”, nhà địa vật lý Jessica Sigala của Cục Địa chất Mỹ giải thích.
Các nhà khoa học tin rằng những dư chấn vẫn xuất hiện nhiều năm sau trận động đất 9,1 độ Richter tại đảo Sumatra của Indonesia. Trận động đất đó tạo nên sóng thần trên Ấn Độ Dương khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Theo VnExpress