Tiêm vắc xin là việc cần làm để phòng bệnh cho trẻ. Tuy nhiên trước khi đưa trẻ đi tiêm cũng cần phải lưu ý những điều quan trọng sau để giúp quá trình tiêm chủng được an toàn hơn.
Bác sĩ Nguyệt Nga (Chuyên khoa Nhi) cho biết, việc tiêm chủng là cần thiết. Tuy nhiên, trước khi tiêm, tất cả các trẻ đều phải trải qua khám kỹ càng sau đó mới được chỉ định có tiêm hay không.
Trước khi đi tiêm cần phải chuẩn bị các đồ dùng đi kèm như bình sữa, khăn, sổ tiêm chủng. Trong đó quan trọng nhất là sổ tiêm chủng, bởi nó giúp theo dõi chính xác các mũi tiêm, thời gian tiêm và những mũi tiêm cần phải tiêm trong tương lai.
Trước khi đưa trẻ đi tiêm không nên cho trẻ ăn hay bú quá no. Nhưng tuyệt đối không đưa trẻ đi tiêm trong tình trạng đói bụng vì dễ xảy ra hạ đường huyết sau tiêm hoặc trong quá trình đến chỗ tiêm. Ngoài ra, mặc quần áo vừa đủ ấm, không quá chật chội để giúp bác sĩ dễ dàng thao tác khi khám và y tá tiêm chủng.
Phụ huynh phải vệ sinh cơ thể của trẻ sạch sẽ trước khi tiêm. Điều này tiêu diệt các vi khuẩn trên cơ thể tránh dẫn đến nhiễm trùng theo vết tiêm gây bệnh về sau.
Khi đến tiêm cần trao đổi với tình hình sức khỏe cụ thể của trẻ những ngày gần với ngày tiêm. Mũi tiêm trước có biểu hiện gì bất thường, sốt, nổi mẩn hay không. Nói rõ cho bác sĩ về những bệnh bẩm sinh, tình trạng suy dinh dưỡng, dị ứng thuốc, bệnh thường gặp… nếu có.
Đến thời điểm cần tiêm phòng, nếu bé đang mắc bệnh, đặc biệt là đang sốt phải hoãn tiêm. Ngoài ra, với những trẻ đang có tình trạng dị ứng, có phản ứng ở lần tiêm phòng trước, trẻ có kích động, có vấn đề về não, thần kinh, những trẻ đang có suy giảm miễn dịch mắc phải (nhiễm HIV) hay bẩm sinh, tạm thời (đang uống thuốc ức chế miễn dịch: gamma globulin, corticoid… trong vòng 3 tháng), trẻ có truyền máu trong vòng một năm, trẻ đã tiêm vaccin trong vòng 4 tuần thì cũng hoãn tiêm.
Sau khi tiêm, phụ huynh cần ở lại cùng trẻ khoảng 30 phút để theo dõi những bất thường như phản ứng hay dị ứng thuốc. Sau khi hết thời gian 30 phút, khi về nhà vẫn tiếp tục theo dõi xem trẻ có bú không, có đi ngoài, ăn uống như thế nào và có sốt hay không.
Nếu trẻ sốt nhẹ là biểu hiện bình thường sau tiêm còn nếu trẻ sốt cao cần phải theo dõi, nếu sốt cao có những dấu hiệu bất thường cần phải đưa đến bác sĩ để cấp cứu. Sau khi tiêm cần mặc thoáng mát cho trẻ, chườm mát lên vết thương, cho trẻ bú nhiều hơn.
Biểu hiện bất thường của trẻ sau khi tiêm gồm có: Vết tiêm sưng to và đỏ quá mức, sốt trên 39 độ C, khó thở, bỏ bú, ăn kém, tím tái, khóc nhiều.
Những phản ứng sau tiêm
Sốt là biểu hiện hay gặp nhất sau tiêm của trẻ, bởi đây là phản ứng bình thường với thuốc sau khi tiêm và tự khỏi sau đó. Nếu trẻ sốt cao có thể dùng thuốc hạ sốt nhưng phải quan sát việc trẻ ăn, có kèm co giật, tím tái hay không.
Cũng như sốt, các biểu hiện như phát ban, nổi mẩn hay mề đay… cũng sẽ xuất hiện, sau đó biến mất trong vài ngày. Nếu dị ứng quá mức gây khó chịu có thể dùng thuốc chống dị ứng.
Trong tiêm phòng vắc xin, 2 loại vắc xin sống không nên tiêm gần quá 4 tuần (lao, sởi, thủy đậu…). Ngoài ra, không chống chỉ định tiêm các loại vắc xin chung với nhau. Tuy nhiên, việc tiêm nhiều hơn 1 mũi vắc xin ngoài việc tăng đau đớn cho trẻ, khi có tình trạng phản ứng xảy ra, rất khó theo dõi dị ứng là do vắc xin nào. Vì vậy, tốt nhất nên tiêm 1 vắc xin /mỗi lần tiêm. Khi có những trường hợp đặc biệt: nhà xa, ghép tạng… sẽ có thể chỉ định dùng từ 2 vắc xin phù hợp trở lên.
Hàng tháng các bà mẹ nhớ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, không để trẻ bị trì hoãn vì như vậy làm mất cơ hội tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Trẻ không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đúng lịch sẽ có khoảng trống thời gian nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản…
Thanh Thủy
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.