Đứa con rơi và thừa kế bạc tỷ

Dua con roi va thua ke bac ty

Dua con roi va thua ke bac ty

Ảnh mang tính minh họa

Theo điều 651, Bộ luật Dân sự, con đẻ thuộc hàng thừa kế thứ nhất, được hưởng phần di sản ngang bằng những người thừa kế cùng hàng là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi của người chết… Con đẻ là mối quan hệ huyết thống, bất luận trong hay ngoài giá thú.

Chịu đấm…

Sau bốn tháng ròng tư vấn qua điện thoại, chỉ vẽ từng đường đi nước bước theo pháp luật, người thân chủ ấy mới chịu đến gặp trực tiếp bà luật sư tại văn phòng của bà. Đó là cô giáo tên Ngọc Hương, 35 tuổi, dáng gầy gò, da bánh mật, gương mặt khá duyên, nỗi âu lo hiện rõ trong ánh mắt. Cô đi chiếc xe gắn máy cũ, điện thoại “cục gạch”, quần tây áo sơ mi đơn giản… hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh cô đã kể: đồng lương khiêm tốn, đơn thân nuôi con và cha mẹ già tuổi 80.

Cô vén tay áo chỉ cho bà luật sư xem vết trầy xước khá lớn, nước mắt ứa ra, cô kể: “Hôm trước em dắt con tới thăm mộ cha nó thì bất ngờ bị người ta xua chó rượt. Em trầy xước ở tay, bụng còn thằng bé bị vấp té vô bụi. Mấy hôm sau, em nhờ người bạn cùng đến nhà người vợ ấy đặt vấn đề xin 300 triệu đồng thừa kế để có tiền nuôi con thì chị ấy chửi rủa, xua đuổi. Em gửi thư qua bưu điện xin chia số tiền này, cũng không được hồi đáp. Em định gửi đơn nhờ địa phương nơi chị ở tổ chức hòa giải, nhưng nếu ủy ban mời, chị ấy không ra thì cũng… huề trớt. Mỗi lần em dắt đi đòi thừa kế là con em sợ quíu, cứ nói: “Bà đó dữ lắm, mẹ đừng đi nữa!”. Nhưng, vì tương lai của con, em không thể bỏ cuộc dễ dàng như vậy được. Đó là quyền lợi chính đáng của con em, khó cỡ nào em cũng làm tới cùng. Cha nó lúc còn sống cũng luôn muốn tốt cho nó mà”.

Từng dang dở một lần đò nên khi phải lòng ông doanh nhân ngành điện tử hoạt bát, điển trai, cùng yêu thích văn thơ, cô Hương đã đặt hết khát khao ái tình vào ông. Chỉ đến khi đứa bé tượng hình trong bụng, cô mới ngỡ ngàng phát hiện sự thật là ông đã có vợ, hai con. Trót yêu rồi, cô không đòi danh phận, cũng không buộc ông phải bỏ vợ cưới mình, chỉ xin ông đứng tên khai sinh cho con, để sau này con không mặc cảm với bè bạn.

Vợ ông biết chuyện, kéo người nhà đến trường cô Hương đang dạy để “quậy cho nhục mặt”, lại dọa thuê giang hồ xử đẹp tình địch. Bất chấp, ông vẫn không chối bỏ trách nhiệm làm cha của mình. Cô Hương thật sự ấm lòng khi ông không chỉ tự nguyện đi đăng ký khai sinh cho con mà còn hứa sẽ cho con trai cổ phần ở công ty A, công ty B khi con vào đại học. Nhưng, đùng một cái, ông vĩnh viễn ra đi vì một cơn đau tim.

Quyền con – lợi mẹ

Theo hướng dẫn của luật sư, cô Hương tìm đến các công ty mà ông chồng hờ có cổ phần. Lúc này, cô mới té ngửa trước những con số “khủng” thuộc về ông; đó là chưa kể hai căn nhà mặt tiền ở Q.1, TP.HCM mà vợ con ông đang ở. Thương lượng bế tắc vì đối phương bất hợp tác, cộng với việc biết được giá trị thực của di sản, cô Hương không dại dột nài nỉ bà vợ “chính chủ” nhủ chút lòng thương cho số tiền 300 triệu đồng nữa mà quyết định khởi kiện đòi chia di sản thừa kế cho con. Không có tiền nộp tạm ứng án phí, theo tư vấn của luật sư, cô xác nhận hoàn cảnh khó khăn xin tòa giảm nhẹ. Với số tiền còn lại phải đóng, cô vay mượn đồng nghiệp, bà con, bạn bè, quyết đầu tư “đánh một ván lớn”.

Con cô mới năm tuổi nên cô là giám hộ đương nhiên. Đồng hàng thừa kế với cậu bé có bốn người: mẹ, vợ và hai con gái của ông doanh nhân. Tất cả được tòa mời nhưng đều vắng mặt trong lần hòa giải đầu. Tòa mời lần nữa, “má lớn” đành ra mặt vì biết không thể phớt lờ quyền lợi của con chồng đã được pháp luật quy định.

Vụ xử dằng dai vì tiến trình thu thập, xác minh khối di sản quá phức tạp. Trong một lần hòa giải, hai người phụ nữ “không đội trời chung” cuối cùng cũng ngồi xuống thương lượng, thống nhất gói thừa kế cho cậu bé là ba tỷ đồng để kết thúc việc kiện tụng kéo dài mệt mỏi và khỏi mất số tiền án phí cao ngất.

Cơn mưa chiều loáng qua, bên hiên tòa án, cô Hương hết khóc lại cười vì vui mừng, ôm hôn từng người đã giúp đỡ mình trong suốt từng ấy tháng ngày kiện tụng. Ngoài cổng tòa, bà vợ sải bước ra xe, bỏ lại tiếng thở dài thườn thượt. Hai người đàn bà của ông doanh nhân quá cố, mỗi người giữ một bảng cam kết có nội dung giống nhau.

Theo đó, thời điểm “chung tiền” được ấn định cụ thể, quy định tiền trao là dứt dạt, không còn qua lại gây khó cho nhau hay yêu sách lôi thôi về sau nữa. Ngày số tiền ba tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của cô Hương, cô thay mặt con trai nhắn tin cảm ơn “má lớn” và xin cho con được thường xuyên thăm viếng mộ cha.

***

Một năm sau, cũng tại văn phòng luật sư, một phụ nữ váy hoa lòe loẹt, ưỡn ẹo bước khỏi xe hơi, đi thẳng vào phòng luật sư trưởng. “Xin lỗi, cô tìm ai?”, bà luật sư già gật đầu chào khách. “Chị, em Hương nè! Chị không nhớ em sao? Em là cô giáo Ngọc Hương năm trước nhờ chị giúp chia thừa kế đó… Chị nhớ chưa?”.

Nheo mắt cố nhìn, không hiểu do ánh nắng chiều hắt chói hay vì người đối diện “bơm sửa” quá nhiều mà bà luật sư đã như không còn nhận ra cô giáo Hương gầy gò, nước da bánh mật ngày nào nữa. “Em đến trước là thăm chị, sau là nhờ chị tư vấn thủ tục kết hôn với người nước ngoài. Anh ấy ở Canada, có biệt thự ngay bãi biển…” – cô Hương hào hứng theo kiểu như một kể – hai khoe.

Bà luật sư chợt nghĩ đến người đàn ông đã nằm xuống, người vợ chính thức rơi vào cảnh bẽ bàng. Trong dòng suy tưởng miên man ấy, bà gặp lại đôi mắt ngơ ngác của “tỷ phú bất đắc dĩ tuổi lên năm” nơi băng ghế tòa án. Với người mẹ như thế, liệu cậu bé có được hưởng trọn vẹn cái gọi là “quyền lợi chính đáng” từ công sức lao động của cha mình?

Nguồn: Theo Phụ Nữ Online

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.